Du lịch Hà Nội “cất cánh” từ giá trị đặc biệt của di sản
Du lịch Hà Nội đang bước vào mùa cao điểm Tết Nguyên đán, với hàng nghìn di sản văn hoá, hàng trăm lễ hội sắp diễn ra. Làm thế nào để giữ chân khách lưu trú lâu dài, khai thác tốt tiềm năng kinh tế đêm, qua đó thúc đẩy việc mua sắm, chi tiêu của khách du lịch? Làm thế nào để ngành du lịch nhanh chóng “cất cánh” từ nguồn lực di sản? Tất cả đang là nỗi trăn trở của những người làm du lịch Thủ đô...
Vừa bước chân qua cửa soát vé di tích Nhà tù Hỏa Lò, chúng tôi gặp nhóm du khách ngoại quốc mừng rỡ cầm tấm vé trên tay và rảo bước nhanh để kịp xem “Đêm thiêng liêng” sắp diễn ra. Du khách người Pháp tên Celine hào hứng nói: “Với tôi, di tích Nhà tù Hỏa Lò có dấu ấn thật sự sâu đậm, phản ánh chân thực về lịch sử, qua lăng kính của những người đã đi qua cuộc chiến và góc nhìn của cả những người ở mặt đối lập, cả những thế hệ sau này, để chúng tôi hiểu về quá khứ và rút ra bài học trong tương lai”.
Dù chi phí không hề thấp, dao động từ 299 đến 499 nghìn đồng, song tình trạng “cháy vé” không còn hiếm với các tour đêm thuộc khu di tích này. Show diễn thực cảnh độc đáo giữa nhà tù cách mạng chạm được tới cảm xúc đang dần trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ của du khách khi mỗi khi đến với Hà Nội. Dưới bàn tay dàn dựng tỉ mỉ và sự trình diễn thăng hoa của gần các diễn viên, show diễn tiếp tục hành trình miệt mài mang văn hóa Việt ra thế giới.
Theo TS Nguyễn Thị Bích Thủy - Giám đốc Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, việc phát triển du lịch văn hóa sẽ góp phần truyền tải ý nghĩa văn hóa, lịch sử cho thế hệ trẻ của Việt Nam để hiểu về con người và đất nước mình.
Vừa hẹn gặp, Giám đốc Khu Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu liền khoe với chúng tôi về chương trình trải nghiệm đêm “Tinh hoa đạo học” tái hiện một không gian văn hoá mới hoàn toàn, tạo nên những trải nghiệm, những cảm xúc khác biệt vừa thâm trầm huyền bí, vừa tinh tế độc đáo mà chỉ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám mới có. Qua câu chuyện đầy cuốn hút của ông mới thấy, những người làm văn hoá Hà Nội đã thực sự bứt ra khỏi đường ray xưa cũ để tìm đến với những ý tưởng bay bổng, sáng tạo, quyến rũ du khách trong và ngoài nước.
“Chúng tôi định hướng rõ ràng để đưa di tích từng bước trở thành không gian sáng tạo được cụ thể trong các đề án, kế hoạch hằng năm của trung tâm. Chúng tôi duy trì cầu nối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sáng tạo để tổ chức các hoạt động văn hóa đa dạng trên nền tảng các giá trị của di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám như triển lãm, cuộc thi vẽ tranh, thiết kế…”, ông Lê Xuân Kiêu hào hứng chia sẻ.
Khơi thông nguồn lực từ bề dày văn hoá
Thành công nằm ngoài mong đợi của tour khám phá di tích ngục tù cách mạng hay chương trình trải nghiệm đêm tại Văn Miếu cho thấy, nếu biết khai thác hiệu quả, nếu biến được tiềm năng thành thế mạnh thì tài nguyên văn hóa sẽ mang lại hiệu quả vô cùng to lớn cho sự phát triển của ngành du lịch.
Trên lộ trình phát triển của mình, lãnh đạo ngành du lịch Thủ đô đang thể hiện sự thức thời và nhạy bén, không chỉ biết khai thác những lợi thế mà mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến được thừa hưởng và còn sáng tạo từ những “bệ đỡ” các sản phẩm mang đậm dấu ấn bản địa.
Nhiều không gian sáng tạo đã trở thành thương hiệu, điểm nhấn của Hà Nội. Không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm chỉ trong hơn 3 năm có gần 500 sự kiện trong nước và quốc tế được tổ chức. Không gian văn hóa Phố sách Hà Nội đón hơn 3 triệu độc giả trong 5 năm, đem về doanh thu khoảng 29 tỷ đồng.
Ðến thời điểm này, Hà Nội đã có hàng chục tour du lịch đêm. Trong đó, hầu hết di sản quan trọng của Hà Nội đều triển khai các tour trải nghiệm đêm, thí dụ như: Hoàng thành Thăng Long với tour “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, tour “Tinh hoa đạo học” được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn là nơi diễn ra tour “Ngọc Sơn - đêm huyền bí”, “Chuyện phố Hàng” trong khu vực phố cổ Hà Nội. Đây chính là những ví dụ sinh động nhất cho thấy những bước đi cụ thể, đột phá để Hà Nội hiện thực hóa các cam kết khi gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, phát triển kinh tế du lịch đêm là một trong những hoạt động trọng điểm được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm và đã có chỉ đạo về việc phát triển loại hình kinh tế này trở thành một phần không thể thiếu của sự phát triển kinh tế, xã hội. “Việc thành phố Hà Nội tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn không chỉ mở ra hướng phát triển nền kinh tế ban đêm, thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô mà còn khẳng định thương hiệu Hà Nội là điểm đến thân thiện”, bà Giang khẳng định.
Định vị thương hiệu du lịch Thủ đô từ những giá trị bền vững
Theo các chuyên gia, mặc dù Hà Nội có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú khi sở hữu số lượng lớn các di tích lịch sử, văn hóa, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhưng hiện nay việc khai thác nguồn tài nguyên này chưa tương xứng với tiềm năng, thiếu sản phẩm du lịch văn hóa mang đặc trưng thương hiệu. Hà Nội chưa có các tổ hợp vui chơi giải trí du lịch về đêm thật sự đẳng cấp. Bên cạnh sự nhàm chán, phần nào thiếu hấp dẫn của sản phẩm du lịch, thực trạng về giao thông tắc nghẽn, sân bay, nhà ga quá tải lúc cao điểm mùa du lịch cũng là một điểm trừ trong sự lựa chọn của du khách trong nước và ngoài nước. Nạn chèo kéo du khách, ăn chặn khách du lịch vẫn còn tồn tại. Vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch vẫn còn nhiều lo ngại. Ðội ngũ nhân lực làm du lịch Thủ đô dù đông đảo nhưng chưa đồng bộ. Vấn đề xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá du lịch cũng còn nhiều bất cập...
Tất cả những yếu tố kể trên trở thành rào cản lớn khiến cho tỷ lệ khách du lịch quay lại các điểm tham quan, nghỉ dưỡng lần hai khá khiêm tốn. Vốn coi du lịch là ngành kinh tế lớn nhất nhưng “đất rồng bay” cũng chỉ thuyết phục khách quốc tế chi tiêu từ 91,5 đến 113,5 USD/ngày, khách nội địa từ 60,5 đến 76 USD/ngày vào năm 2023. Số liệu giữa năm 2024 cho thấy, trong khi mỗi khách đến Khánh Hòa chi tới 5,3 triệu đồng, TP. Hồ Chí Minh gần 4,52 triệu đồng/khách thì Thủ đô chỉ khiến mỗi khách chi tiêu ở mức 2,93 triệu đồng...
Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội (Ban Kinh tế Trung ương), rõ ràng đã đến lúc thay đổi tư duy làm du lịch từ việc “cung cấp cái mình có” sang cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần. Ðặc biệt cần phát huy tính sáng tạo của người dân trong các hoạt động du lịch để không chỉ làm giàu về kinh tế mà còn làm giàu về văn hóa cho mỗi vùng đất, mỗi di tích. Quan trọng nhất, Thành phố cần có cơ chế chính sách phù hợp, đặc thù cho hoạt động kinh tế đêm. Hà Nội có thể nghiên cứu mở rộng sản phẩm du lịch đêm như phát triển dịch vụ du lịch hai bên sông Hồng, có quy hoạch cho việc xây dựng trung tâm mua sắm hiện đại ở gần khu vực trung tâm, chẳng hạn như trung tâm mua sắm ngầm dưới đất như ở nhiều quốc gia đang làm.
Thay đổi tư duy để tạo ra những sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường, thêm những hành động đẹp, văn minh, tử tế sẽ tăng thêm sự hài lòng cho du khách, tăng thêm tính chuyên nghiệp. Bởi một “Điểm đến du lịch đặc sắc, hấp dẫn, an toàn và chất lượng” là thương hiệu mà Hà Nội đang nỗ lực xây dựng và định vị. Trên lộ trình ấy, sẽ có sự góp sức không nhỏ của những tour du lịch đêm.
Minh Ngọc