Thị trường 3 ngàn tỉ USD vẫn đang đợi… doanh nghiệp Việt Nam
Sáng 4-4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3-2025.
Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu
Theo ông Ramlan Bin Osman, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) - Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam có cơ hội lớn để tham gia vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu, trị giá 3 ngàn tỉ USD nhưng vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ với chưa đến 10% nhu cầu được thỏa mãn.
Ông Ramlan Bin Osman đánh giá Việt Nam sở hữu nguồn nguyên liệu thô tiềm năng dồi dào cho ngành halal, bao gồm cà phê, gạo, hải sản, sản phẩm nuôi trồng, thủy sản, gia vị, các loại hạt, rau củ và trái cây, cho thấy khả năng lớn trong việc sản xuất các sản phẩm cuối cùng.
Việt Nam cũng đã được công nhận là một trong những điểm đến du lịch quốc tế hàng đầu vào năm 2018, cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ lưu trú, bao gồm nhà hàng halal và dịch vụ ăn uống.
Hiện, nhiều quốc gia đã nhìn thấy tiềm năng từ thị trường Halal, trong đó Malaysia sắp công bố kế hoạch tổng thể ngành công nghiệp Halal 2.0 nhằm hướng đến một Malaysia Halal nổi bật, có tầm ảnh hưởng và toàn cầu hóa hơn. Nhật Bản tuyên bố rằng Halal được xác định là một nguồn đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Nhật Bản.
Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất đặt mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế Hồi giáo, tập trung vào tài chính Hồi giáo và Halal.
Trong khi đó, Úc là quốc gia xuất khẩu thịt bò lớn nhất sang các nước Trung Đông; Hàn Quốc đặt mục tiêu trở thành một trong những điểm đến du lịch chính dành cho du khách Hồi giáo; Brazil là nhà cung cấp gia cầm Halal lớn nhất cho các nước Trung Đông.
Phân tích thị trường Malaysia, ông Lê Phú Cường, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, cho biết nhiều sản phẩm của Việt Nam cần được chứng nhận Halal tại thị trường Malaysia, đây có thể là một quy trình phức tạp và tốn kém cho các doanh nghiệp dẫn đến số lượng sản phẩm có mặt trên thị trường chưa nhiều.
Trong khi đó, sản phẩm Halal của Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh với các nước có hiệp định thương mại tự do với Malaysia như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia … và sản phẩm của các nước này hiện diện đa dạng trên thị trường thực phẩm và đồ uống.
Nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam chưa quen với thị trường và chưa thay đổi sản phẩm phù hợp với văn hóa tiêu dùng ở đây (ví dụ như bún, miến, mì có tên gọi địa phương và tương tự sản phẩm của ta, nhãn mác chưa dùng tiếng địa phương…)
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân tính toán với tỉ trọng 3.000 tỉ USD mà Việt Nam chỉ cần chiếm 10% trong đó sẽ góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế rất lớn.
"Chúng ta đừng nghĩ rằng đây là thị trường ngách mà đây là thị trường mà Việt Nam phải quyết tâm đáp ứng yêu cầu, triển khai cho bằng được. Chúng ta đã thăm dò, có sản phẩm được đón nhận và gần như thống lĩnh thị trường nên hoàn toàn tin tưởng mình làm được" - Thứ trưởng Bộ Công Thương kỳ vọng.