Apple sẽ chuyển 25% sản lượng iPhone sang Ấn Độ, 20% iPad và Apple Watch sang Việt Nam
Theo các nhà phân tích từ JP Morgan, Apple sẽ chuyển 25% sản lượng iPhone sang Ấn Độ, 20% iPad và Apple Watch sang Việt Nam vào năm 2025 trong nỗ lực dịch chuyển chuỗi cung ứng của gã khổng lồ.
Apple đã bắt đầu sản xuất một số thiết bị của mình ở Ấn Độ và Việt Nam từ cách đây vài năm, dần dần cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo các nhà phân tích của JP Morgan, gã khổng lồ Cupertino hiện đang chuẩn bị đưa hai quốc gia này trở thành những trung tâm sản xuất quan trọng trên toàn cầu.
Trong một báo cáo, các nhà phân tích của JP Morgan cho biết Apple sẽ chuyển 5% sản lượng iPhone 14 trên toàn cầu sang Ấn Độ vào cuối năm 2022 và sớm nâng cao khả năng sản xuất tại quốc gia này tới 25% tổng số iPhone vào năm 2025.
Mặt khác, Việt Nam sẽ đóng góp 20% tổng sản lượng iPad, Apple Watch, 5% MacBook và 65% AirPods vào năm 2025, theo TechCrunch.
Ấn Độ đã thu hút các khoản đầu tư từ Foxconn và Wistron trong những năm gần đây khi các khoản trợ cấp béo bở liên tục được tung ra bởi chính phủ. Trong tương lai New Delhi sẽ tiến tới trở thành một trung tâm sản xuất thay thế Trung Quốc. Các nhà phân tích cho biết, sự hiện diện của những gã khổng lồ sản xuất nước ngoài cùng với “nguồn lao động dồi dào và chi phí lao động cạnh tranh” khiến Ấn Độ trở thành một địa điểm đáng mơ ước.
Đối thủ của Apple, Samsung sớm xác định Ấn Độ là trung tâm sản xuất quan trọng trên toàn cầu và đã thành lập một trong những nhà máy lớn nhất tại quốc gia này.
Google cũng có kế hoạch chuyển một số dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh Pixel sang Ấn Độ, The Information đưa tin gần đây. Công ty hôm thứ tư cho biết họ sẽ ra mắt các mẫu điện thoại Pixel 7 sắp tới tại Ấn Độ.
Ngay cả khi Apple chỉ chiếm thị phần nhỏ ở Ấn Độ, nhà sản xuất iPhone cũng đã mở rộng đầu tư vào quốc gia này trong suốt 5 năm qua. Họ đã mở Cửa hàng Apple trực tuyến tại Ấn Độ hai năm trước và chia sẻ rằng họ đang nỗ lực để khai trương cửa hàng đầu tiên tại quốc gia này.
“Chuỗi cung ứng iPhone của Ấn Độ trước đây chỉ cung cấp các mẫu cũ. Điều thú vị là Apple đã yêu cầu các nhà cung cấp EMS sản xuất các mẫu iPhone 14/14 Plus ở Ấn Độ trong quý 4 năm nay. Điều này cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của ngành sản xuất tại Ấn Độ,” báo cáo cho biết thêm.
“Chúng tôi tin rằng Apple hiện chỉ sản xuất các mẫu iPhone 14/14 Plus tại Ấn Độ do việc căn chỉnh mô-đun camera phức tạp của dòng iPhone Pro đòi hỏi công nghệ cao hơn và nhu cầu lớn của thị trường nội địa đối với dòng iPhone 14. Chúng tôi tin rằng khối lượng sản xuất iPhone tại Ấn Độ sẽ tăng dần trong tương lai.”
“Các nhà cung cấp Đài Loan, đặc biệt là Pegatron và Wistron, đang chọn lọc hơn và ưu tiên lợi nhuận trong khi tập trung vào các lĩnh vực mới như EV và máy chủ. Hon Hai vẫn là đối tác chính cho iPhone và sẽ được hưởng lợi từ việc chuyển dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ,” báo cáo cho biết.
Các nhà phân tích cho biết "trong ngắn hạn", Trung Quốc và Đài Loan vẫn sẽ tiếp tục chiếm thị phần sản xuất lớn do công nghệ cũng như chi phí không quá cao.
Nhận định này cũng tương đồng với một phân tích Counterpoint Research công bố mới đây. Theo đó, Trung Quốc vẫn dẫn đầu về sản lượng thiết bị cầm tay trong năm 2021. 67% thiết bị trên toàn cầu được sản xuất tại đây, trong đó phần lớn là Apple và các hãng nội địa. Tuy nhiên, Ấn Độ và Việt Nam đang có những dấu hiệu gia tăng thị phần.
Ảnh: Counter Point |
Theo các nhà phân tích tại Counterpoint, sản lượng thiết bị nói chung từ Việt Nam chịu ảnh hưởng khi LG rút mảng kinh doanh di động, nhưng được bù đắp bởi Samsung và Apple.
"Apple đang chuyển một số dây chuyền sản xuất iPad sang Việt Nam và có thể là cả iPhone nữa. Điều này sẽ thúc đẩy khối lượng sản xuất thiết bị tại thị trường này", Counterpoint đánh giá.
Các nhà máy ở Việt Nam hiện đang sản xuất nhiều sản phẩm quan trọng trên thị trường di động toàn cầu, bao gồm AirPods của Apple và các sản phẩm của Samsung, Xiaomi. Trong năm nay, hàng loạt thông tin từ chuỗi cung ứng cho biết nhiều dòng sản phẩm khác của Apple như Apple Watch, iPad và MacBook cũng đã dần được chuyển về Việt Nam.
(Theo VietTimes, Tech Crunch, Counter Point)