Nhân rộng mô hình Chợ an toàn thực phẩm tại Ninh Thuận
Tỉnh Ninh Thuận đang tập trung huy động các nguồn lực triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình Chợ an toàn thực phẩm. Mô hình này được xem là giải pháp hiệu quả nhằm góp phần nâng cao công tác quản lý chợ, đảm bảo thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
* Tăng niềm tin người tiêu dùng
Chợ Thanh Hải (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải) là chợ hạng III được đầu tư xây mới theo mô hình xã hội hóa với diện tích 4.000m2, có tổng vốn đầu tư hơn 11,6 tỷ đồng do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Phú Thịnh làm chủ đầu tư. Chợ đi vào hoạt động từ cuối năm 2019 đáp ứng các quy định theo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 11856:2017) về chợ kinh doanh thực phẩm.
Chợ Thanh Hải hiện có 134 điểm kinh doanh cố định với hệ thống quầy, sạp được xây dựng kiên cố, ốp gạch men và bố trí khoa học. Khu vực chế biến, buôn bán thực phẩm được phân chia thành các khu riêng biệt dành cho các quầy thực phẩm động vật; thủy hải sản; rau, củ, quả; dịch vụ ăn uống,... để ngăn ngừa lây nhiễm chéo giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín. Nhờ có sự quản lý chặt chẽ, các mặt hàng bày bán tại chợ đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn chất lượng, khu chợ này đã trở thành điểm đến tin cậy cho người tiêu dùng.
Là khách hàng quen thuộc của chợ Thanh Hải, bà Nguyễn Thị Lượm cho hay, bà và con dâu thường xuyên mua sắm tại đây vì chất lượng thực phẩm luôn tươi ngon. "Gia đình tôi không thích sử dụng đồ đông lạnh nên đi chợ mỗi ngày. Các mặt hàng rau củ, quả bán ở chợ rất phong phú, thịt gia cầm và thịt heo đều được cơ quan chức năng kiểm dịch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm giúp tôi yên tâm lựa chọn. Các tiểu thương ở đây rất nhiệt tình và bán hàng với giá cả hợp lý, không nói thách", bà Lượm cho biết.
Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 1 trung tâm thương mại, 5 siêu thị và 103 chợ được phân bố trải đều khắp khu vực thành thị (16 chợ) và nông thôn (87 chợ) đang hoạt động kinh doanh. Về quy mô có 1 chợ đầu mối nông sản, 1 chợ hạng I, 9 chợ hạng II và 92 chợ hạng III.
Nhằm nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai Mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm năm 2017 và nhân rộng mô hình theo Đề án mô hình Chợ an toàn thực phẩm. Đến nay, có 7 chợ được lựa chọn đầu tư, xây dựng theo mô hình này, bao gồm: chợ Cà Ná (huyện Thuận Nam), chợ Trung tâm huyện Thuận Bắc (huyện Thuận Bắc), chợ Tân Sơn (huyện Ninh Sơn), chợ Phan Rang (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm), chợ Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn), chợ Thanh Hải (huyện Ninh Hải), chợ xã An Hải (huyện Ninh Phước). Năm 2024, tỉnh tiếp tục chọn chợ Công Thành (xã Thành Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) để triển khai nhân rộng mô hình Chợ an toàn thực phẩm trên địa bàn, gắn với xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
* Đầu tư cơ sở hạ tầng chợ
Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Tại địa phương, chợ truyền thống hiện nay vẫn là kênh cung cấp chính các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, cá, rau, củ, quả,... cho người dân. An toàn thực phẩm nói chung và an toàn thực phẩm tại chợ nói riêng là vấn đề quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế. Trong thời gian qua, các cấp, ngành đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn cần tháo gỡ, giải quyết.
Mặc dù một số chợ đã được đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp, nhưng vẫn còn nhiều chợ xây dựng từ lâu đang xuống cấp. Các hạng mục, trang thiết bị, quầy kệ, bàn ghế,... phục vụ cho việc mua bán một số mặt hàng như thịt động vật, thủy sản, rau củ quả, thực phẩm chế biến còn thiếu và hư hỏng. Chất liệu của các trang thiết bị bày bán thực phẩm nhìn chung chưa đáp ứng được các yêu cầu và tiêu chuẩn quy định về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc gia về chợ kinh doanh thực phẩm. Chính vì vậy, việc xây dựng và nhân rộng mô hình Chợ an toàn thực phẩm được đánh giá là rất cần thiết và cấp bách.
Hiện nay, nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để đầu tư, nâng cấp các chợ theo mô hình Chợ an toàn thực phẩm còn hạn chế; việc vận động xã hội hóa cũng gặp nhiều khó khăn do việc đầu tư phát triển chợ đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian thu hồi vốn lâu. Do đó, Sở Công Thương đề xuất với Bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để tỉnh Ninh Thuận tiếp tục xây dựng hệ thống các chợ đạt các tiêu chí về chợ kinh doanh thực phẩm. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, phân bổ vốn theo tiêu chí về số lượng và mức vốn đầu tư cho các chợ. Bổ sung tiêu chí ưu tiên xét chọn nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia về chợ kinh doanh thực phẩm.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, nguồn vốn thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Chợ an toàn thực phẩm do đơn vị triển khai hằng năm chỉ hỗ trợ được cho một chợ. Do vậy, việc triển khai thực hiện Tiêu chí số 7 thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 đối với nhiều chợ còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Sở Công Thương đề nghị các địa phương chủ động cân đối nguồn vốn được phân bổ và vận động sự tham gia, đóng góp của các hộ kinh doanh tại chợ để triển khai thực hiện đạt tiêu chí này.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân trên địa bàn, UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Công Thương phối hợp với các Sở, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các yêu cầu, tiêu chí đối với các chợ đã đạt tiêu chí an toàn thực phẩm nhằm duy trì và nâng cao chất lượng mô hình. Cùng với đó, Sở kiểm soát nguồn hàng, chất lượng sản phẩm gia súc, gia cầm và các sản phẩm nông thủy sản thực phẩm đưa vào tiêu thụ tại các chợ theo quy định.
Các cơ quan chức năng của địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm cho các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của đơn vị quản lý, các tiểu thương trong việc thực hiện tốt các tiêu chí chợ an toàn thực phẩm. Đồng thời, khuyến khích người dân tham gia giám sát, kịp thời phản ánh các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng./.
Nguyễn Thành