A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công nhân bỏ phố về quê, nhà trọ ế ẩm

Thu nhập bấp bênh và thất nghiệp nhiều lao động tại TP HCM trở về quê, khiến các phòng trọ rơi vào tình trạng bỏ trống kéo dài

Tại TP HCM, làn sóng công nhân rời thành phố về quê đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt tại các khu vực tập trung đông lao động như quận 7 (Khu chế xuất Tân Thuận), TP Thủ Đức (Khu Công nghệ cao, Khu chế xuất Linh Trung), quận Bình Tân (cụm công nghiệp Tân Tạo) và huyện Bình Chánh. Những khu vực trước đây vốn sôi động với dãy nhà trọ kín người thuê nay trở nên vắng vẻ, khi số lượng phòng trọ trống tăng mạnh.

Công nhân bỏ phố về quê, nhà trọ ế ẩm- Ảnh 1.

Chi phí sinh hoạt đắt đỏ, nhiều người lao động quyết định về quê làm việc

Công nhân bỏ phố về quê, nhà trọ ế ẩm- Ảnh 2.

Nhiều phòng trọ tại quận Bình Tân, TP HCM treo biển cho thuê phòng

Nguyên nhân chính đến từ tình trạng công việc không ổn định. Nhiều doanh nghiệp tại TP HCM giảm giờ làm, cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng, khiến thu nhập của người lao động sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt tại thành phố, từ tiền thuê trọ, thực phẩm đến các dịch vụ thiết yếu, ngày càng tăng cao, trở thành gánh nặng không thể kham nổi với nhiều gia đình công nhân.

Công nhân bỏ phố về quê, nhà trọ ế ẩm- Ảnh 3.

Treo biển đã lâu nhưng nhiều khu trọ vẫn không có khách

Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng tại quận Bình Tân nơi được ví như "thủ phủ phòng trọ" của công nhân. Trên các tuyến đường như Trần Thanh Mại, Lê Đình Cẩn, đường số 5…, hàng loạt biển "cho thuê phòng trọ" hoặc "phòng trọ giá rẻ" được treo đầy nhưng hiếm khách hỏi thuê. Nhiều khu nhà trọ tại đây hiện có 30-40% số phòng bị bỏ trống.

"Thủ phủ" nhà trọ quận Bình Tân, TP HCM thiếu công nhân thuê

Ông Hoàng Phó Thạo, chủ nhà trọ tại khu phố 9, phường Tân Tạo, cho biết hơn 20 năm kinh doanh phòng trọ, chưa bao giờ thấy tình trạng trống nhiều phòng như hiện nay. "Thời điểm 2019-2020, gần như kín hết phòng. Nhưng giờ đây, chỉ còn một số khách thuê lâu năm còn ở, người mới thì không thấy. Tôi đã treo biển cho thuê từ lâu nhưng chẳng mấy ai hỏi" - ông Thạo nói.

Công nhân bỏ phố về quê, nhà trọ ế ẩm- Ảnh 4.

Không thể trụ lại TP HCM, nhiều công nhân quyết định bỏ phố về quê

Ông Thạo cho biết thêm, nhiều lao động ngoại tỉnh đã chọn cách quay về quê để làm việc, vì thu nhập ở quê tuy không cao hơn nhưng bù lại chi phí sống thấp hơn.

Tình hình tại khu trọ của bà Nguyễn Huyền trên đường số 5, phường Tân Tạo cũng không khả quan hơn. Trước đây, gia đình bà Huyền cho thuê 6 phòng, nhưng hiện tại gần như trống hoàn toàn. "Tôi đã đăng thông tin cho thuê từ tháng 6-2023 nhưng chẳng có khách nào đến. Trước đây, nhà tôi lúc nào cũng có người thuê, giờ thì đành để phòng trống, không biết làm gì hơn" - bà Huyền nói.

Để thu hút khách thuê, nhiều chủ trọ đã phải giảm giá thuê phòng từ 20-30%, thậm chí cho phép trả góp hoặc nợ tiền thuê từ 1-2 tháng đối với những khách thuê lâu năm gặp khó khăn về tài chính. Một số người khác chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác, trong khi những chủ trọ có điều kiện tài chính thì nâng cấp phòng trọ với các tiện ích như wifi miễn phí, khu vực để xe riêng nhằm thu hút đối tượng khách thuê thu nhập cao hơn.

Công nhân bỏ phố về quê, nhà trọ ế ẩm- Ảnh 5.

Nhiều người lao động cho biết khó khăn khi giá cả tăng nhanh, thu nhập không tăng

Xu hướng rời TP HCM về quê còn được phản ánh rõ tại các xóm trọ lao động. Ông Thạch Tha Ri, quê Trà Vinh, đang thuê trọ tại phường 16, quận 8 cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, xóm trọ của ông chỉ thấy người dọn đi mà không có ai mới đến. "Trước đây, sau giờ tan ca, mọi người tụ tập nói chuyện, xóm trọ lúc nào cũng vui vẻ. Bây giờ thì vắng hoe, chẳng còn không khí nhộn nhịp như trước" - ông Ri nói.

Theo Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, từ năm 2015-2021, mỗi năm thành phố đón thêm khoảng 170.000-180.000 dân nhập cư. Tuy nhiên, đến năm 2023, con số này giảm mạnh xuống chỉ còn 65.000 người, tương đương tỉ lệ nhập cư 0,67%.

Công nhân bỏ phố về quê, nhà trọ ế ẩm- Ảnh 6.

Tỉ lệ lao động nhập cư tại TP HCM giảm mạnh

Các chuyên gia cảnh báo làn sóng công nhân rời thành phố không chỉ ảnh hưởng đến các khu nhà trọ mà còn làm giảm sức sống tại các khu vực công nghiệp. Đây là lời cảnh báo rõ ràng về áp lực sinh kế tại đô thị lớn nhất cả nước. 

Nhằm hạn chế tình trạng này, TP HCM cần nhanh chóng triển khai các giải pháp đồng bộ, bao gồm hỗ trợ trực tiếp cho công nhân như trợ cấp thu nhập, giảm giá điện nước và hỗ trợ nhà trọ. Về lâu dài, xây dựng nhà ở xã hội giá rẻ, ổn định việc làm và cải thiện phúc lợi sẽ là chìa khóa giúp giữ chân người lao động, đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố.


Tác giả: Bài và ảnh, clip: Hồng Đào- Huỳnh Như
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :