Chỉ khuyến mãi, chưa đủ để kích cầu
Khuyến mãi là không thể thiếu nhưng hiện nay, người tiêu dùng cần nhiều hơn thế để ra quyết định mua sắm nhằm bảo vệ túi tiền khi kinh tế còn khó khăn
Khuyến mãi không còn là ưu tiên số 1
Ông Đặng Thanh Định, Giám đốc Điều hành Nerman (thương hiệu chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho nam giới), cho biết 2 năm trước, khuyến mãi là số 1, nhưng nay người tiêu dùng muốn được nhiều giá trị cộng thêm.
"Trong 3 năm qua, do các yếu tố chi phí đầu vào tăng nên sản phẩm của chúng tôi đã tăng 30%. Hiện tại, dù khuyến mãi cao nhất chỉ 5% nhưng Nerman vẫn duy trì vị trí tốp 1 trong ngành hàng của mình ở các sàn thương mại điện tử" - ông Định dẫn chứng.
Không có mức giảm giá sâu, Nerman không thể tham gia các chương trình khuyến mãi lớn. Tuy nhiên, giám đốc điều hành Nerman nhận thấy việc chọn chiến lược bán hàng này được lợi ích nhiều hơn, giúp DN phát triển bền vững.
Ông Định nói rằng tâm lý chung, ai cũng thích khuyến mãi. Tuy nhiên, nếu cứ chạy đua giảm giá thì sẽ không tốt cho DN lẫn người tiêu dùng. Thay vào đó, DN cải thiện chất lượng và dịch vụ sản phẩm tốt hơn để làm hài lòng khách hàng.
"Nếu sản phẩm đang ở phân khúc tầm trung mà cứ giảm giá liên tục thành hàng giá rẻ sẽ ảnh hưởng định vị thương hiệu. Quan trọng hơn, khách hàng mua sản phẩm lúc chưa giảm giá sẽ cảm thấy bị lừa khi bị mua giá cao và mất niềm tin vào thương hiệu" - ông Định phân tích.
Tại một tọa đàm mới đây diễn ra ở TP HCM, bà Naree Nguyễn - Giám đốc Kinh doanh khối đại lý - TikTok Việt Nam, cho biết người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưu tiên giá trị hơn giá cả khi mua sắm. Nhận định này dựa trên nghiên cứu của Accenture thực hiện tại các thị trường: Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Báo cáo nhấn mạnh sự thay đổi đáng kể trong hành vi của người tiêu dùng khi có đến 79% người được hỏi bị ảnh hưởng bởi nội dung không mang tính quảng cáo. Trung bình trong khu vực, chỉ 21% người dùng bị tác động bởi các chương trình khuyến mãi khi cân nhắc quyết định mua hàng. Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng chuyển dịch mối quan tâm về giá trị sản phẩm, thay cho các chủ đề xoay quanh giá cả và khuyến mãi như trước đây.
Trước thay đổi này, đại diện TikTok khuyến nghị các nhãn hàng cần thay đổi cách tiếp cận phù hợp hơn với tâm lý người tiêu dùng. Thay vì tập trung nguồn lực chạy đua khuyến mãi, thương hiệu cần đầu tư cải thiện nội dung giới thiệu sản phẩm đến người dùng một cách gần gũi hơn. "Người mua hàng online dựa trên trực giác chứ không vì bốc đồng và họ lắng nghe người tiêu dùng khác để đưa quyết định mua hàng" - bà Naree Nguyễn nói thêm.
Cần nhiều giá trị cộng thêm
Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan (công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử và bán lẻ), nói rằng với thương mại điện tử, khuyến mãi giảm giá là không thể thiếu.
"Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng luôn phải tính toán để tiết kiệm chi phí. Có rất nhiều người tiêu dùng chọn hàng loạt sản phẩm bắt buộc phải mua sẵn trong giỏ hàng và đợi ngày khuyến mãi để áp mã giảm giá để được giá rẻ nhất. Nếu sản phẩm có chất lượng, dịch vụ tương đương thì nhà bán nào có giá rẻ hơn sẽ được người mua chọn" - ông Tấn nói.
Điều này có nghĩa là người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi cao về sản phẩm họ mua. Các DN, nhà bán hàng online phải chuyên nghiệp hơn để có chi phí tối ưu nhằm có giá tốt nhất cho người dùng.
Ông Phan Minh Thức, đồng sáng lập Công ty TNHH Ba Thức Food, nhận xét ngoài khuyến mãi là mặc định, người tiêu dùng có xu hướng muốn nhiều giá trị cộng thêm (quà tặng, hậu mãi, chăm sóc khách hàng...). Để thu hút khách hàng, DN thường xuyên thay đổi quà tặng kèm cho khách.
"Chúng tôi kinh doanh thực phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP và nhóm mặt hàng này nhiều chủ thể do không biết cách tính toán chi phí nên định giá bán thấp. Chúng tôi đang đầu tư vào câu chuyện sản phẩm, thay đổi bao bì, cải tiến chất lượng để góp phần nâng giá trị, giá bán sản phẩm" - ông Thức nói.
Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, nói rằng với khách hàng của Nón Sơn, quyết định mua hàng là do sự tin tưởng về thương hiệu, chất lượng còn các chương trình khuyến mãi, giảm giá chỉ là chất xúc tác thêm để kích cầu.
"Trên các kênh bán hàng online hiện nay, tôi thấy cạnh tranh giảm giá vẫn là chủ yếu. Vẫn còn nhiều gian hàng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng nên có giá rẻ. Bản thân Nón Sơn đã mở gian hàng trên một số sàn thương mại điện tử nhưng sàn vẫn cho các nhà bán Nón Sơn giả tồn tại. Chúng tôi rất vất vả để xử lý những gian hàng này" - ông Tý phản ánh.
Nhiều người tiêu dùng tiếp tục cắt giảm mua sắm
Trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi, khảo sát mới đây của Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao trên phạm vi cả nước cho thấy vẫn có 40% người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm mua sắm. Trong khi đó, có 30% người tiêu dùng cho biết sẽ tăng nhẹ mức chi tiêu và 30% giữ nguyên mức chi tiêu năm 2024 như năm 2023.
Do đó, Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao nhận định các DN sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc chinh phục người tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2024. Để gỡ khó, các DN bên cạnh việc phải luôn duy trì sản phẩm chất lượng tốt, tính toán lại về chiến lược và mô hình kinh doanh phù hợp cần áp dụng công nghệ mới trong bán hàng.