Phố Wall trở lại cơ chế giao dịch T+1 sau 100 năm
Lần gần nhất mà Phố Wall áp dụng cơ chế T+1 là cách đây 100 năm trước.
Theo quy định mới của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC), từ ngày thứ Ba (04/06), các giao dịch chứng khoán ở New York sẽ hoàn tất trong vòng 1 ngày, tức T+1. Thay đổi này cũng sẽ được áp dụng tại Canada và Mexico từ ngày 27/05.
Phố Wall từng sử dụng cơ chế T+1 vào đầu thế kỷ 20 nhưng phải bỏ do khối lượng giao dịch quá lớn. Việc chuyển sang T+1 lần này nhằm giảm thiểu rủi ro trong hệ thống tài chính. Tuy nhiên, vẫn tồn tại lo ngại về những khó khăn tiềm ẩn, chẳng hạn như nhà đầu tư quốc tế có thể gặp khó khăn trong việc huy động vốn bằng USD kịp thời, và các quỹ đầu tư quốc tế sẽ phải hoạt động với tốc độ khác nhau đối với tài sản của họ. Thời gian để sửa sai của nhà đầu tư cũng sẽ ngắn hơn.
SEC cảnh báo rằng quá trình chuyển đổi có thể dẫn đến gia tăng tạm thời các lỗi thanh toán và thách thức cho một số người tham gia thị trường. Để đối phó, Hiệp hội Ngành Chứng khoán và Thị trường Tài chính đã thành lập Trung tâm Điều phối T+1 nhằm xác định và giải quyết các vấn đề phát sinh.
Các công ty, từ nhà cung cấp dịch vụ đến quỹ đầu tư, đã chuẩn bị cho sự thay đổi này trong nhiều tháng qua bằng cách điều chuyển nhân sự, điều chỉnh ca làm việc và cải tổ quy trình. Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại liệu tất cả các đối tác và trung gian khác có thể tổ chức tốt tương tự hay không.
Tom Price, CEO kiêm Giám đốc mảng công nghệ, vận hành và duy trì hoạt động kinh doanh của Sifma, nhận định: “Có rất nhiều sự phụ thuộc lẫn nhau trong ngành và nhiều khả năng sẽ có một số khó khăn với các công ty riêng lẻ. Nhưng tôi cảm thấy khích lệ khi các công ty đang tăng cường nhân sự. Họ đảm bảo nhân viên không đi biển trong giai đoạn chuyển đổi mà trụ lại văn phòng”.
Thách thức to lớn
Đây không phải lần đầu tiên Phố Wall trải qua một sự chuyển đổi như vậy, nhưng các chuyên gia trong ngành cho rằng đây sẽ là quá trình chuyển đổi mang nhiều thách thức nhất. Kỷ nguyên T+1 của những năm 1920, một thập kỷ được biết đến là “những năm 20 sôi động” (the roaring ’20s), kết thúc khi khối lượng giao dịch tăng vọt và thời gian thanh toán cuối cùng đã phải kéo dài ra đến 5 ngày.
Sau vụ sụp đổ Black Monday năm 1987, thời gian giao dịch đã được giảm xuống còn 3 ngày, và sau đó là 2 ngày vào năm 2017 để phù hợp hơn với thị trường hiện đại. Tuy nhiên, việc cắt giảm xuống 1 ngày lần này khác biệt về quy mô và tầm cỡ của thị trường hiện nay, cũng như sự phức tạp của đầu tư xuyên biên giới.
Đáng chú ý nhất, giao dịch tiền tệ thông thường được thanh toán trong 2 ngày. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư quốc tế muốn tài trợ cho các giao dịch chứng khoán Mỹ sẽ cần huy động USD nhanh hơn. Michael Wynn, Giám đốc mảng dịch vụ chứng khoán của Citigroup, cho biết: “Nhu cầu thanh khoản có thể sẽ tăng cao vào cuối ngày giao dịch ngoại hối và ngay sau đó, khoảng từ 15h đến 19h theo giờ New York. Về trung và dài hạn, thanh khoản sẽ cải thiện khi hoạt động kinh doanh trở lại bình thường”.
Trước mắt, hệ thống T+1 sẽ phải vượt qua hai thử thách lớn khi được áp dụng. Thứ nhất là "ngày thanh toán kép" vào thứ Tư, khi các giao dịch T+2 từ thứ Sáu (31/05) sẽ đến hạn cùng lúc với các giao dịch T+1 của ngày thứ Ba (04/06). Thứ hai là việc tái cân bằng chỉ số của MSCI vào cuối tuần, khi các quỹ trên toàn thế giới theo dõi các chỉ số của họ sẽ cơ cấu lại các khoản nắm giữ cùng một lúc.
Christos Ekonomidis, Giám đốc chương trình T+1 tại BNY Mellon, cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng bước chuyển đổi này. Chúng tôi biết sẽ có một số vấn đề xảy ra với quá trình chuyển đổi như thế này, vì vậy điều quan trọng là phải có đủ nguồn lực để khắc phục chúng nhanh chóng”.