A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kết nối giáo dục, hợp tác công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

Chiều 9/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Hỗ trợ Đổi mới Sáng tạo (ISC), Viện Đổi mới sáng tạo UEH (UII), Trường Công nghệ và Thiết kế UEH (CTD) đồng tổ chức tọa đàm Vượt qua biên giới: trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo, giáo dục và hợp tác công nghệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong tương lai (Bridging Frontiers: AI, Innovation, Education and the Future of US-Vietnam Tech Collaboration). Sự kiện có sự tham dự của nhiều diễn giả uy tín đến từ Hoa Kỳ và Việt Nam, cùng sự góp mặt của các nhà sáng lập startup, chuyên gia công nghệ…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thùy Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế UEH (CTD), tọa đàm là một sự kiện thuộc chuỗi hoạt động sáng kiến học thuật của trường nhằm thúc đẩy chia sẻ tri thức, nâng cao năng lực nghiên cứu cho cộng đồng và tạo ra giá trị thiết thực cho sự phát triển bền vững. Tọa đàm hướng đến mục tiêu chia sẻ tri thức đa ngành, lan tỏa giá trị giáo dục gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Đặc biệt, nhà trường mong muốn trở thành nền tảng bền vững kết nối giữa học thuật – doanh nghiệp – cộng đồng trong hành trình thúc đẩy chuyển đổi số, sáng tạo xã hội và chuyển giao tri thức toàn cầu.

Tọa đàm lần này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai sâu rộng Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước, cho thấy Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) xác định rõ vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy các giá trị đổi mới sáng tạo, phục vụ cộng đồng, tăng cường hợp tác quốc tế và phát triển nguồn nhân lực số, đóng góp trực tiếp vào định hướng chiến lược quốc gia. Nhà trường thông qua các đơn vị trực thuộc đang từng bước xây dựng hệ sinh thái học thuật và công nghệ cởi mở, nơi học thuật giao thoa với thực tiễn, công nghệ song hành với trách nhiệm xã hội, giáo dục kết nối mạnh mẽ với doanh nghiệp và cộng đồng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Thùy Anh thông tin.

Các diễn giả lần lượt chia sẻ góc nhìn từ trải nghiệm thực tiễn trong việc ứng dụng AI để giải quyết các bài toán lớn của doanh nghiệp. Điển hình, ông Đỗ Huy, Chủ tịch SAVVi Code (Mạng lưới tập hợp các nhà chuyên môn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và nhà sáng lập cộng đồng công nghệ khởi nghiệp), với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và quản lý công nghệ đã mang đến những phân tích về cách mà startup công nghệ tại Việt Nam có thể tận dụng nguồn vốn và mạng lưới toàn cầu từ Hoa Kỳ để gia tăng năng lực cạnh tranh. Ông nêu bật những yếu tố cần thiết để xây dựng một hệ sinh thái AI có đạo đức, toàn diện và bền vững. Ngoài ra, sự kết nối giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không chỉ dừng lại ở chuyển giao công nghệ mà còn là chuyển giao tri thức, tư duy quản trị và năng lực lãnh đạo đổi mới sáng tạo.

Còn ông Kenneth Katz, Giám đốc điều hành khu vực châu Á của TAU Investment Management (Công ty quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại New York và Hồng Kông, Trung Quốc), mang đến góc nhìn từ nhà đầu tư chiến lược quốc tế. Ông chỉ ra rằng, nhiều công ty đầu tư toàn cầu đang định hình lại danh mục đầu tư thông qua công nghệ AI, tiềm năng hợp tác với startup Việt Nam về công nghệ xanh, chuỗi cung ứng thông minh và tự động hóa trong sản xuất. Từ kinh nghiệm điều hành dự án AI trị giá hàng tỷ đô tại Meta, Amazon và các công ty toàn cầu, ông Anthony Tuan Phan, Chủ tịch Công ty cổ phần trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AIAIVN) đã chia sẻ về vai trò của nền tảng dữ liệu, đạo đức trong phát triển AI. Cùng với đó, là tầm quan trọng của việc phát triển đội ngũ kỹ sư AI ở Việt Nam để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Nhiều diễn giả tập trung về một số vấn đề như làm thế nào để trường đại học và doanh nghiệp công nghệ phối hợp đào tạo nguồn nhân lực AI chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu toàn cầu; bảo đảm AI phát triển một cách có trách nhiệm, phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững… Tọa đàm còn tạo điều kiện để người tham dự, nhất là nhà sáng lập startup, giảng viên và sinh viên  mở rộng mạng lưới kết nối với chuyên gia đầu ngành, tìm kiếm cơ hội hợp tác, thực tập và gọi vốn.../.

Mỹ Phương


Tác giả: Trần Thị Mỹ Phương
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :