Hà Nam: Nhân dân đồng thuận cao với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Ngay sau khi dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Hà Nam năm 2025 được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thông qua, các địa phương khẩn trương lấy ý kiến nhân dân. Đại đa số cử tri ở tỉnh đồng thuận, thống nhất cao với phương án sắp xếp cũng như tên gọi của các xã, phường mới sau sáp nhập.
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hà Nam năm 2025, phường Duy Tiên được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của các xã Chuyên Ngoại, Trác Văn, Yên Nam và một phần phường Hoà Mạc, thị xã Duy Tiên. Sau sắp xếp, phường Duy Tiên có diện tích tự nhiên 28,93 km² (đạt 526% so với quy định); quy mô dân số hơn 39.900 người (đạt 190,2% so với quy định). Trụ sở làm việc đặt tại trụ sở Thị uỷ - HĐND - UBND thị xã Duy Tiên cũ.
Ông Phạm Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thị xã Duy Tiên, Đảng ủy, UBND xã Chuyên Ngoại đã khẩn trương chỉ đạo các thôn thành lập tổ lấy ý kiến của đại diện hộ gia đình trong xã về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Mỗi tổ công tác gồm 10 người bao gồm đại diện cấp ủy, chính quyền, ban công tác mặt trận và các đoàn thể của thôn lấy ý kiến của nhân dân về phương án sắp xếp cũng như giải đáp thắc mắc để người dân hiểu rõ về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính. Việc lấy ý kiến nhân dân đảm bảo khách quan, dân chủ, đúng quy định và tiến độ đề ra.
Ông Nguyễn Xuân Đô, người dân xã Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên chia sẻ, nhân dân tán thành, nhất trí cao với chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã để quê hương, đất nước ngày càng phát triển. Việc đặt tên Duy Tiên cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất cao của người dân bởi cái tên này vừa thân thương, gần gũi vừa mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử.
Việc lựa chọn tên gọi cho các đơn vị hành chính cấp xã đã được tỉnh Hà Nam nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa của mảnh đất, con người Hà Nam, dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ. Tỉnh giữ nguyên tên của 6 huyện, thị xã, thành phố để đặt cho một phường, xã tiêu biểu và có phường mang tên Hà Nam. Điều này không chỉ đảm bảo lưu giữ truyền thống, tình cảm gắn bó với các địa danh đã in sâu trong tiềm thức mà còn tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân. Đối với các xã, phường mới không nằm trong địa danh, địa bàn tiêu biểu, tỉnh ưu tiên chọn tên các di tích lịch sử văn hóa truyền thống của địa phương đó để đặt tên cũng nhận được sự đồng tình và ủng hộ lớn từ cộng đồng.
Bà Bùi Thị Mai, Tổ dân phố 4B, phường Châu Cầu, thành phố Phủ Lý cho biết, gia đình bà cũng như đa số nhân dân trong khu phố đều đồng tình, nhất trí cao với chủ trương về sáp nhập tỉnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Bà cho rằng, phương án thành lập phường Phủ Lý trên cơ sở sáp nhập phường Châu Cầu với phường Thanh Châu, phường Liêm Chính và một phần phường Quang Trung rất hợp tình, hợp lý. Bởi đây là trung tâm nội thành của thành phố Phủ Lý cũ, khi không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện mà vẫn giữ được tên gọi của mảnh đất Phủ Lý anh hùng. Những tên mới của các xã, phường lân cận và ở các địa phương khác cũng hay và ý nghĩa hơn việc đặt tên theo địa phương cũ và đánh số cơ học.
Theo Sở Nội vụ Hà Nam, sau khi sắp xếp, tỉnh Hà Nam còn 33 đơn vị hành chính cấp xã (16 phường và 17 xã); giảm 65 đơn vị hành chính cấp xã (tỷ lệ giảm đạt 66,3%). Đến nay, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nam năm 2025 đã được trình Bộ Nội vụ, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.
Nguyễn Chinh