A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bà Trần Anh Đào (HOSE): Thị trường chứng khoán càng phát triển, doanh nghiệp càng chú trọng IR

Khi thị trường chứng khoán ngày càng phát triển, để gia tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ bên ngoài, các công ty ngày càng chú trọng đến hoạt động IR. Có thể nói, hoạt động IR là cầu nối giữa doanh nghiệp với nhà đầu tư và thị trường, góp phần gia tăng giá trị của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp dần chú trọng hơn tới hoạt động công bố thông tin

Hoạt động công bố thông tin của các doanh nghiệp đang dần được cải thiện trong những năm qua. Theo số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), số công ty chậm công bố thông tin trong năm 2023 giảm 2.2% so với năm 2022 và số trường hợp bị nhắc nhở vì chậm công bố tin năm 2023 đã giảm 7.8% so với năm 2022.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, số công ty chậm công bố thông tin tiếp tục giảm, chỉ chiếm 12.6% tổng số công ty niêm yết và số trường hợp bị nhắc nhở vì chậm công bố chỉ bằng 31% so với cả năm 2023.

Các công ty đã làm tốt hơn việc công bố những thông tin định kỳ, như: báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, báo cáo tình hình quản trị… Do vậy, các trường hợp bị nhắc nhở về công bố thông tin đã giảm.

Tuy nhiên, vẫn có một số công ty vẫn còn vi phạm các nghĩa vụ công bố thông tin bất thường, ví dụ như thay đổi nhân sự, giao dịch với các bên liên quan, tài liệu đại hội cổ đông…

Đối với những trường hợp này, khi phát hiện, HOSE đều có công văn nhắc nhở và yêu cầu công ty công bố thông tin theo quy định; đưa vào các diện xử lý vi phạm nếu công ty chậm BCTC vượt các mốc xử lý hoặc tiếp tục vi phạm công bố thông tin. UBCKNN sẽ có xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm công bố thông tin.

Theo bà Trần Anh Đào - Phó TGĐ phụ trách Ban điều hành HOSE, nhìn chung, các tổ chức niêm yết đã ý thức được tầm quan trọng của công bố thông tin. Rất nhiều công ty niêm yết đã xây dựng bộ phận chuyên trách về công bố thông tin và IR với mong muốn thông tin được công bố đầy đủ và kịp thời, đồng thời tham gia các giải thưởng, cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết, tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa công ty và nhà đầu tư… tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư đối với các công ty niêm yết.

Số lượng thông tin bằng tiếng Anh hoặc song ngữ Việt - Anh ngày càng nhiều hơn, mở ra cánh cửa thu hút dòng vốn ngoại.

Một số ít doanh nghiệp bắt đầu quan tâm công bố thông tin theo các thông lệ quốc tế; xây dựng hệ thống quản trị minh bạch, giảm thiểu các tác động đến môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; thực hiện kiểm toán Báo cáo thường niên, Báo cáo phát triển bền vững, qua đó mang đến thông tin xanh, chất lượng, minh bạch; gia tăng niềm tin của nhà đầu tư, hướng đến những yếu tố mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và đánh giá cao.

Phó TGĐ phụ trách Ban điều hành HOSE cho biết thêm, để khuyến khích doanh nghiệp công bố thông tin và nâng cao chất lượng thông tin được công bố, Sở hằng năm vẫn phối hợp với các đơn vị chuyên môn để tổ chức các hội thảo chuyên đề cập nhật các quy định, trao đổi các thông lệ tốt về công bố thông tin, ESG, lập báo cáo tài chính…

Tất cả các hoạt động đều nhằm gia tăng nhận thức của doanh nghiệp về nâng cao chất lượng thông tin công bố, mà trong đó cốt lõi là nâng cao nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp để việc công bố thông tin không chỉ là nghĩa vụ bắt buộc mà trở thành hoạt động nhằm gia tăng giá trị doanh nghiệp, thông qua các hoạt động minh bạch quản trị công ty, phát triển phù hợp với các tiêu chuẩn môi trường và xã hội…

Thị trường chứng khoán càng phát triển, doanh nghiệp càng chú trọng IR

Theo lãnh đạo HOSE, hoạt động Quan hệ Nhà đầu tư (Investor Relation - IR) nhằm cung cấp cho cổ đông và nhà đầu tư thông tin chính xác về các vấn đề của công ty, giúp nhà đầu tư có đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định.

Không chỉ công bố thông tin truyền thống tại website, tại đại hội đồng cổ đông thường niên… IR được mở rộng sang các hoạt động khác nhằm gia tăng sự tương tác giữa công ty và nhà đầu tư như hội nghị nhà đầu tư, hội nghị chuyên gia phân tích, họp báo công bố kết quả kinh doanh và các sự kiện khác do công ty tổ chức.

Thông qua các hoạt động này, nhà đầu tư có thể có đầy đủ thông tin về hoạt động của doanh nghiệp để đưa ra những phân tích đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp theo lựa chọn của mình.

Khi thị trường chứng khoán ngày càng phát triển, để gia tăng khả năng tiếp cận những nguồn vốn từ bên ngoài, các công ty ngày càng chú trọng đến hoạt động IR.

Có thể nói, hoạt động IR là cầu nối giữa doanh nghiệp với nhà đầu tư và thị trường, giúp thu hút dòng vốn cho hoạt động phát triển của doanh nghiệp, góp phần gia tăng giá trị của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bà Đào nhấn mạnh: giá trị doanh nghiệp cần được xem xét ở bản thân nội tại, bao gồm hoạt động sản xuất, đầu tư, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận nguồn vốn tối ưu…

Để giữ vững và phát triển giá trị doanh nghiệp, tổ chức niêm yết cần tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, kết hợp với các hoạt động nhằm duy trì và gia tăng giá trị doanh nghiệp như hoạt động IR để luôn có sự kết nối với nhà đầu tư và thị trường, giúp gia tăng nhận thức của công chúng, nhà đầu tư về hoạt động của doanh nghiệp.

Minh bạch thông tin để xây dựng niềm tin với nhà đầu tư

Nói về tác động của hoạt động công bố thông tin tới nâng hạng thị trường, bà Đào cho biết, trong tiêu chí phân hạng thị trường của cả FTSE và MSCI (2 tổ chức xếp hạng uy tín hàng đầu hiện nay), minh bạch thông tin luôn là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá chất lượng thị trường.

Minh bạch thông tin không những đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, giúp cổ đông đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn mà còn giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn bên ngoài để mở rộng đầu tư sản suất, từ đó cải thiện hiệu quả chung của cả thị trường.

Các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đặc biệt quan tâm đến phẩm cấp của hàng hóa trên thị trường, bao gồm sự đa dạng hàng hóa và chất lượng hàng hóa. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải hướng tới yếu tố cốt lõi là minh bạch thông tin, để xây dựng được niềm tin với nhà đầu tư.

Minh bạch thông tin chính là nền móng cho sự phát triển bền vững” - bà Đào nói.

Tại báo cáo xếp hạng của FTSE vào kỳ đánh giá tháng 3 vừa qua, tiêu chí về Tính minh bạch thông tin của TTCK Việt Nam được đánh giá ở mức độ đáp ứng tiêu chí là “Đạt”. Để đáp ứng các tiêu chí, cơ quan quản lý đã yêu cầu doanh nghiệp phải công bố thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác và được quy định rõ trong Luật Chứng khoán 2019; Luật doanh nghiệp 2020; Thông tư 96/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về công bố thông tin.

Đến nay, cơ quan quản lý cũng đã tham mưu và xin ý kiến Bộ Tài chính về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 96/2020/TT-BTC, dự kiến trong đó có yêu cầu các công ty đại chúng phải công bố thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh để đáp ứng tiêu chí của các tổ chức đánh giá xem xét nâng hạng thị trường.

Tăng cường giám sát công bố thông tin để hạn chế “văn mẫu”

Bên cạnh những doanh nghiệp công bố thông tin đầy đủ, chi tiết, không ít đơn vị công bố thông tin mang tính chất đối phó hay còn gọi là “văn mẫu”. Nhiều doanh nghiệp công bố đúng hạn nhưng mang tính hình thức với các nội dung sơ sài, không mang lại nhiều giá trị cho nhà đầu tư. Có thể kể đến một số loại hình báo cáo dễ bị rơi vào “văn mẫu” như công bố giải trình chênh lệch lợi nhuận, giải trình tăng trần/sàn của cổ phiếu…

Theo đại diện HOSE, công bố thông tin là một nghĩa vụ pháp lý, là cơ sở để nhà đầu tư đánh giá hoạt động của doanh nghiệp niêm yết và đưa ra quyết định đầu tư. Đối với nhà đầu tư, việc tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời là điều kiện quan trọng để họ có thể ra quyết định đầu tư hiệu quả.

Song, một số công ty vẫn còn công bố thông tin theo kiểu đối phó, sơ sài, gây ảnh hưởng không ít đến giá cổ phiếu và quyền lợi của nhà đầu tư.

HOSE đã tổ chức rất nhiều buổi hội thảo, tập huấn hướng dẫn hoạt động công bố thông tin, qua đó giúp công ty hiểu rõ hơn các quy định và dễ dàng đáp ứng; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc công bố thông tin một cách đầy đủ và kịp thời đến nhà đầu tư.

Thực tế cho thấy, cổ phiếu của các công ty chú trọng hoạt động công bố thông tin có thể hồi phục nhanh sau thời gian ngắn sụt giảm.

Đi đôi với biện pháp nâng cao nhận thức, Sở tăng cường công tác giám sát công bố thông tin, nhắc nhở khi các công ty chậm công bố theo quy định và đưa vào các diện xử lý vi phạm đối với những doanh nghiệp không tuân thủ quy định về công bố thông tin. Điều này sẽ tạo ra áp lực buộc doanh nghiệp tuân thủ việc công bố thông tin nghiêm ngặt hơn.

Theo bà Đào, bên cạnh những biện pháp của Sở, sự tham gia đánh giá hoạt động công bố thông tin từ phía nhà đầu tư, cộng đồng không chỉ tăng cường tính minh bạch mà còn tạo ra áp lực, động lực để doanh nghiệp cải thiện chất lượng công bố thông tin, hướng tới công bố thông tin đầy đủ, kịp thời và giảm tình trạng công bố thông tin đối phó.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
  • :
  • :