Vì sao cổ phiếu Goldman Sachs được nhà đầu tư quan tâm?
Vì sao cổ phiếu Goldman Sachs được nhà đầu tư quan tâm?
Goldman Sachs đang tập trung vào các hoạt động tại Phố Wall
Goldman Sachs đang tập trung trở lại vào các thế mạnh cốt lõi của ngân hàng, bao gồm nghiệp vụ ngân hàng đầu tư (IB) và Hoạt động Giao dịch (trading operations), đồng thời thu hẹp phạm vi hoạt động trong mảng ngân hàng tiêu dùng.
Trong quý đầu tiên của năm 2024, Goldman Sachs đã hoàn tất việc bán GreenSky, một nền tảng cho vay để cải thiện nhà ở. Vào quý IV/2023, Công ty cũng đã bán bộ phận Quản lý tài chính cá nhân của mình.
Thông qua nền tảng ngân hàng trực tuyến kỹ thuật số Marcus, Goldman đặt mục tiêu ngừng cung cấp các khoản vay không có bảo đảm cho người tiêu dùng. Vào năm 2023, Công ty đã bán gần như toàn bộ danh mục cho vay của Marcus. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ hoàn tất việc chuyển giao hoạt động kinh doanh thẻ tín dụng General Motors sang cho Barclays (một công ty của Anh quốc chuyên điều hành dịch vụ tài chính trên toàn thế giới).
Sự tập trung của Goldman Sachs vào các hoạt động tại Phố Wall đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Trong năm 2022 và 2023, doanh thu từ IB của Công ty đã giảm lần lượt 47,9% và 15,5% so với cùng kỳ năm trước đó. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2024, nhờ vào sự phục hồi của hoạt động sáp nhập và mua lại (M&A) toàn cầu, chỉ số này đã tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2023, góp phần cải thiện đáng kể giá trị và khối lượng giao dịch trong Ngành.
Goldman được hưởng lợi khi FED hạ thấp yêu cầu về quy định vốn
Sau đợt kiểm tra hàng năm vào tháng 6, Goldman Sachs đã giành được lợi thế lớn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có quyết định giảm các yêu cầu về quy định vốn. Ban đầu, các quy định này yêu cầu ngân hàng đầu tư của Phố Wall phải duy trì một lượng vốn lớn hơn.
Ngân hàng trung ương Mỹ đã điều chỉnh giảm mức yêu cầu vốn bổ sung cho Goldman Sachs. Giờ đây, ngân hàng chỉ cần duy trì một “vùng đệm vốn ứng phó căng thẳng” là 6,2%, thấp hơn so với mức 6,4% được quy định ban đầu.
Do đó, Goldman Sachs chỉ cần nắm giữ vốn chủ sở hữu phổ thông bằng 13,7% tổng tài sản có rủi ro (RWA), thay vì mức 13,9% mà FED ban đầu khuyến nghị. Với việc giảm yêu cầu về vốn này, Ngân hàng có thể tận dụng cơ hội để tăng cường phân phối vốn và thực hiện các kế hoạch mua lại cổ phiếu.
Vào đầu tháng 7/2024, Hội đồng quản trị của Công ty đã chấp thuận tăng mức cổ tức đối với cổ phiếu phổ thông lên 3 USD/cổ phiếu, bắt đầu từ quý III/2024. Trong 5 năm qua, Công ty đã 5 lần tăng mức cổ tức, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 24,42%. Hiện nay, tỷ lệ chi trả cổ tức của Công ty là 35% lợi nhuận.
Goldman Sachs cũng duy trì khả năng thanh khoản mạnh mẽ. Tính đến ngày 30/6/2024, tiền mặt và các khoản tương đương tiền mặt là 206 tỷ USD. Cùng ngày, khoản vay ngắn hạn là 77 tỷ USD. Với nguồn vốn dồi dào và tính thanh khoản cao, hoạt động phân phối vốn của Công ty rất bền vững.
Goldman Sachs với lợi thế mở rộng hạn mức tín dụng vốn tư nhân
Goldman Sachs đang lên kế hoạch mở rộng các dịch vụ cho vay của mình đối với các công ty quản lý tài sản và vốn tư nhân, đồng thời mong muốn thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế.
Thị trường vốn tư nhân hiện đang trên đà phát triển mạnh do nhu cầu huy động vốn ở mức cao kỷ lục. Các khoản vay thường là ngắn hạn và được bảo đảm bằng tài sản của các công ty đi vay, điều này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro. Sự tập trung vào thị trường vốn tư nhân là một chiến lược thông minh từ phía Goldman Sachs.
Goldman Sachs Asset Management, một chi nhánh của GS, dự định sẽ mở rộng danh mục tín dụng tư nhân lên đến 300 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, từ mức hiện tại là 130 tỷ USD. Sau khi củng cố hoạt động tại Mỹ, Công ty có kế hoạch mở rộng sang các thị trường tại châu Âu, Vương quốc Anh và châu Á.
Hướng đi trong tương lai của Goldman Sachs
Tại Hội nghị với Barclays, CEO David Solomon của Goldman Sachs dự báo doanh thu từ giao dịch ngân hàng có thể sẽ giảm 10% trong quý III năm 2024 do gặp phải nhiều thách thức hơn với các quy định giao dịch ngày càng khó khăn. Ông cũng nhận định, sự thu hẹp hoạt động kinh doanh tiêu dùng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu trong quý này.
Mặc dù việc rời bỏ mảng kinh doanh tiêu dùng có thể gây ảnh hưởng ngắn hạn, nhưng trong dài hạn, điều này có khả năng sẽ tạo ra lợi nhuận bền vững hơn. Ngoài ra, việc giảm yêu cầu về vốn bổ sung sẽ cho phép Công ty tăng cường hoạt động phân phối vốn, từ đó nâng cao niềm tin của nhà đầu tư vào cổ phiếu GS.
Các nỗ lực của Goldman Sachs nhằm tập trung vào thị trường vốn và mở rộng hạn mức tín dụng với khách hàng tư nhân đang cho thấy nhiều triển vọng tích cực.
Với những định giá hiện tại, các nhà đầu tư tiềm năng có thể xem xét giữ cổ phiếu của Goldman Sachs trong tầm ngắm và tìm kiếm điểm mua phù hợp. Những người đã sở hữu cổ phiếu GS có lý do chính đáng để tiếp tục nắm giữ, dựa trên nền tảng vững chắc và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của Công ty.