Xúc phạm thầy cô: Hành vi không thể chấp nhận
Trong vài ngày qua, dư luận rất bức xúc về một clip học sinh ở trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) dồn cô giáo vào góc lớp và có những hành vi xúc phạm giáo viên.
Vi phạm đạo đức
Được biết, nguyên nhân của vụ việc xuất phát từ trước đó 2 tháng. Cụ thể vào khoảng tháng 9/2023, cô Phan Thị H, giáo viên bộ môn Âm nhạc trường THCS Văn Phú xảy ra mâu thuẫn với học sinh lớp 6A và có lời nói không đúng chuẩn mực đạo đức của người giáo viên khiến học sinh bất bình.
Ngày 21/11, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Phú đã ban hành quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với cô giáo Phan Thị H vì lý do “vi phạm đạo đức nhà giáo, xúc phạm danh dự nhân phẩm học sinh; ngôn ngữ, ứng xử của giáo viên chưa đúng chuẩn mực”.
Hình ảnh được cắt từ clip giáo viên ở Tuyên Quang bị học sinh dồn vào tường |
Tuy nhiên sự việc chưa dừng lại, vào ngày 29/11, khi cô giáo Phan Thị H vừa hết tiết học thì bị một số học sinh lớp 7C và 6A "quây", có lời nói, hành vi chửi bới, khiêu khích, xúc phạm cô giáo H.
Khi xem clip, không chỉ có người lớn, thầy cô giáo mà ngay cả các em học sinh cũng cảm thấy bất bình.
Đinh Lê Thu Thuỷ, học sinh lớp 11 ở quận Long Biên chia sẻ: “Khi xem clip, tôi thấy giật mình vì tại sao học sinh mà có thể làm ra những hành động như thế đối với thầy, cô dạy mình? Tôi là học sinh mà còn không thể chấp nhận được cách ứng xử như thế với giáo viên. Khi đi học, ai cũng có những lúc không bằng lòng hay ấm ức với thầy cô nhưng tôi cũng chỉ dừng lại ở việc ấm ức trong im lặng, hoặc có thể gặp trực tiếp thầy cô để hỏi những khúc mắc đó chứ không bao giờ nghĩ có thể hành xử thiếu đạo đức với giáo viên được”.
Ở một cấp học cao hơn, Minh Anh, sinh viên năm thứ 3 trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, dù là ức chế thế nào thì cũng không được phép ứng xử như các bạn trong clip với người dạy mình học. “Xét về mặt đạo đức thì mình phải kính trọng thầy cô như kính trọng bố mẹ mình. Tôi cho rằng, cần phải xử lý các bạn học sinh kia thật nghiêm khắc để làm gương”, Minh Anh nêu ý kiến.
Sự việc nếu xét tường tận thì có lỗi của cả 2 bên nhưng dù là trước đó giáo viên có những hành vi chưa đúng chuẩn mực thì việc “trả đũa” của học sinh như thế là không thể chấp nhận được. Cách hành xử này đi ngược lại truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc và vi phạm nghiêm trọng đạo đức làm người.
Xử lý nghiêm không phải là kỷ luật hay đuổi học
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững, bất luận là giảng viên, giáo viên thế nào nhưng học trò có hành xử như thế là hư, vô pháp, vô luân, đặc biệt, sự việc lại xảy ra ở một tập thể lớp, cái đó không thể chấp nhận được.
PGS.TS. Nguyễn Văn Dững cũng nhận định, sự việc này là bạo lực học đường. Trong các tín hiệu về tiêu cực xã hội thì bạo lực học đường là tín hiệu tệ hại nhất, thể hiện sự tha hoá. Bởi giáo dục có vai trò quan trọng nhất tạo nền tảng xã hội.
Vì thế nếu không có giải pháp đồng bộ sẽ rất khó giải quyết triệt để. Tuy nhiên giải pháp đồng bộ lại không dễ thực hiện lúc này; vì nó liên quan đến môi trường giáo dục.
Cô giáo bị học sinh dồn vào tường, nép dép vào đầu ngất xỉu trong lớp |
“Nếu là tôi trong trường hợp này, tôi sẽ bình tĩnh trao đổi với các em xem có chuyện gì, nói ra để cùng trao đổi; bây giờ các bạn không đồng tình với tôi về điểm nào, mọi người cứ nói thẳng, thoải mái, chúng ta là những người bạn...; nếu tôi có gì sai, làm các bạn không hài lòng thì tôi sẽ xin lỗi.
Về khâu lãnh đạo, quản lý, tôi cho rằng, nhà trường phải xử lý nghiêm học sinh, đó là nguyên tắc, sau đó mới rút kinh nghiệm nội bộ với giáo viên. Cùng họp nội bộ, chia sẻ thân tình thoải mái về nguyên nhân để lắng nghe xem giáo viên nói gì. Từ đó đánh giá, góp ý, rút kinh nghiệm, đặc biệt là về kỹ năng ứng xử”, PGS.TS Nguyễn Văn Dững chia sẻ kinh nghiệm.
Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Văn Dững, xử lý nghiêm học sinh không cứ phải là kỷ luật hay đuổi học mà ở đây là nghiêm khắc trong cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề để học sinh thấy được sự việc. Trước hết là sinh hoạt lớp xem các em có vướng mắc gì, nghe hết vấn đề rồi phê phán, chỉ trích hành vi sai lệch; đâu là nguyên tắc ứng xử học đường không thể xâm hại,…
Để xử lý những tình huống nêu trên, PGS.TS. Nguyễn Văn Dững cho rằng: “Giải pháp đồng bộ thì nhiều nhưng tôi muốn nhấn mạnh, trước hết gia đình phải giáo dục con một cách nghiêm khắc, đâu là đạo đức, đâu là chuẩn mực xã hội. Đạo đức chính là hành vi ứng xử của con người với các mối quan hệ xung quanh, trong đó đối xử với bố mẹ, ông bà, làng xóm và thầy cô…như thế nào.
Về phía nhà trường, dạy đạo đức, giáo dục công dân cần phải từ những câu chuyện thực tế, sinh động, có tình huống để học sinh cùng tham gia, bình luận. Từ những tương tác trong bài học, học sinh mới ngấm dần và trở thành thói quen và có được nguyên tắc định hướng ứng xử trong cuộc sống…”, PGS.TS Nguyễn Văn Dững bày tỏ.
Giúp học sinh biết nhận ra lỗi của mình
TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, trước hết, trong vụ việc này, học sinh hành xử như vậy là sai. Tuy nhiên, để sự việc xảy ra trong khoảng một thời gian dài như vậy mà vẫn chưa chấm dứt được thì trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường và giáo viên chủ nhiệm cần phải xem lại.
TS. Nguyễn Tủng Lâm nêu ý kiến: “Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay có đặt ra yêu cầu nhà trường phải dạy cho học sinh giá trị sống như: Biết yêu thương, tôn trọng, bao dung; Biết tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm và các kỹ năng: thương lượng, hòa giải, tha thứ… Vậy nhà trường đã làm tốt vấn đề này chưa? Nếu chưa làm tốt, nhà trường cần phải xem lại và sớm có giải pháp khắc phục bằng cách bổ sung, xây dựng một chương trình giáo dục đạo đức, dạy các kỹ năng sống cơ bản cho học sinh toàn trường.
Nếu nhà trường đã làm tốt nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh mà học sinh vẫn hành xử lệch chuẩn, vô lễ với thầy cô thì lỗi là do học sinh và đây là trách nhiệm của giáo dục gia đình.
Về phía cô giáo cũng cần phải rút kinh nghiệm, phải xem lại mình đã thực sự yêu thương, tôn trọng và thấu hiểu học trò hay chưa? Các kỹ năng ứng xử với học trò đã thực sự chuẩn mực, phù hợp hay chưa?”.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, xây dựng văn hoá học đường phải căn cứ vào tâm lý học sinh để gíao dục (ảnh minh hoạ) |
Nói thêm về cách giáo dục học sinh, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, mỗi học sinh có một cá tính, không thể giáo dục theo kiểu phải ngoan, gọi dạ, bảo vâng. Giáo dục học sinh nào cũng biết nghe lời như thế là thất bại.
Xây dựng văn hóa học đường cần căn cứ vào tâm sinh lý của học sinh để giáo dục, dạy dỗ và có biện pháp xử lý phù hợp bởi lứa tuổi. Bên cạnh đó là công tác quản lý giáo dục của nhà trường, trách nhiệm của lãnh đạo và giáo viên chủ nhiệm trong việc dạy kỹ năng sống cho học sinh.
Ngoài ra, giáo dục học sinh cũng cần phải cho các em hiểu việc sử dụng lời nói xúc phạm, hành động mang tính bạo lực đối với người khác không chỉ vi phạm chuẩn mực đạo đức mà còn vi phạm pháp luật. Từ đó, đưa ra các hình thức xử lý phù hợp, tùy vào mức độ vi phạm như xử phạt hành chính, đình chỉ học... Dù chọn hình thức xử lý nào thì điều quan trọng nhất vẫn phải giúp các em biết nhận ra lỗi của mình, biết khắc phục và dám chịu trách nhiệm.