A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam - Vùng đất con người, văn hóa, thiên nhiên hấp dẫn

Trong chuyến công tác của đoàn báo chí Hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai - Thái Lan thăm, làm việc với Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Việt Nam và hành trình đến Lào Cai, phóng viên (PV) Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với ông Amnat Jongyotying - Chủ tịch Hiệp hội Phát thanh, Truyền hình và Truyền thông Tin tức Chiang Mai, Chủ tịch Hội Nhà báo Chiang Mai (Thái Lan).

Mỗi lần đến là một cảm nhận khác biệt

- PV: Được biết, ông đã đến Việt Nam rất nhiều lần, vậy trở lại Hà Nội, Lào Cai lần này, ông nhận thấy có sự thay đổi như thế nào?

- Ông Amnat Jongyotying: Tôi nhận thấy, sự thay đổi rõ nét nhất của Việt Nam đó là du lịch. Các khu du lịch của Việt Nam phát triển, thay đổi nhanh chóng. Chẳng hạn như khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trong lần tôi đến trước đây rất bình thường, không có gì nổi bật nhưng lần này, ở đây phát triển tour du lịch đêm, tôi nhận thấy rõ sự thay đổi, phát triển. Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành điểm đến không chỉ đậm chất cổ kính, truyền thống mà còn rất sôi động, hiện đại.

Ông Amnat Jongyotying cùng đồng nghiệp trải nghiệm tại Fansipan, tỉnh Lào Cai, Việt Nam

Ông Amnat Jongyotying cùng đồng nghiệp trải nghiệm tại Fansipan, tỉnh Lào Cai, Việt Nam

Trước đây, tôi lên Fansipan, thị trấn Sapa, tỉnh Lào Cai không có tuyến cáp treo, tàu. Đến nay, con đường lên đỉnh “Nóc nhà Đông Dương” này đã có đầy đủ tàu điện, cáp treo và nhiều dịch vụ mới, ứng dụng công nghệ hiện đại.

Bên cạnh đó, các nhà hàng, khách sạn ở tỉnh vùng cao Lào Cai, thị trấn Sapa hiện nay cũng rất nhiều, sạch sẽ, đẹp. Không chỉ ở Hà Nội mà vùng cao Tây Bắc Phương tiện ôtô, xe máy đông đúc, cơ sở vật chất tốt hơn hẳn. Những điều đó chứng tỏ sự tiện nghi ở đây và chắc chắn thu nhập, đời sống của người dân Việt Nam đã được nâng cao hơn nhiều so với trước đây.

- PV: Ông có thể chia sẻ cảm nhận của mình sau khi chinh phục đỉnh núi Fansipan, nơi được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương” ở Việt Nam?

- Ông Amnat Jongyotying: Những ngày ở đây, tôi gặp rất nhiều đoàn khách Thái Lan đến với Hà Nội, Lào Cai, đặc biệt là chinh phục đỉnh Fansipan. Chính bản thân tôi mỗi lần đến đây đều không cảm thấy mệt, hay nhàm chán vì đều thấy có sự khác biệt, hấp dẫn riêng. Sau gần chục lần khám phá nơi này, tôi đã cảm nhận và thấy rõ nét đẹp và sự hùng vĩ của Fansipan, cũng như vùng núi Tây Bắc của Việt Nam.

Tôi cũng rất vui khi số lượng khách du lịch của Việt Nam ở Chiang Mai cũng tăng lên. Điều đó chứng tỏ không chỉ các địa danh nổi tiếng tại Thái Lan như: Bangkok, Pattaya, Phuket.. mà Chiang Mai cũng đã được nhiều người Việt Nam chọn đến.

Ông Amnat Jongyotying và vợ trên đỉnh Fansipan

Ông Amnat Jongyotying và vợ trên đỉnh Fansipan

Đất nước, con người Việt Nam rất đẹp, thân thiện và mến khách

- PV: Mối quan hệ hợp tác giữa Hội Nhà báo Chiang Mai và Hội Nhà báo thành phố Hà Nội như thế nào, thưa ông?

- Ông Amnat Jongyotying: Mối quan hệ hợp tác giữa Hội Nhà báo Chiang Mai và Hội Nhà báo thành phố Hà Nội từ khi hai bên ký biên bản ghi nhớ hợp tác năm 2015 đến nay đang được duy trì, phát triển rất tốt.

Chẳng hạn như chuyến thăm, làm việc lần này của đoàn báo chí Chiang Mai là hoạt động nhằm thực hiện ghi nhớ hợp tác. Hàng năm, Hội Nhà báo Chiang Mai sang thăm và làm việc tại Hà Nội và Hội Nhà báo thành phố Hà Nội sang thăm, làm việc tại Chiang Mai.

Qua đó, chúng tôi có thêm cơ hội trao đổi kinh nghiệm về hoạt động sản xuất báo chí hiện đại và công tác quản lý báo chí; thắt chặt tình cảm hữu nghị, hợp tác giữa hai tổ chức Hội, cũng như hai tỉnh, thành của hai nước.

Ông Amnat Jongyotying cùng đoàn nhà báo Thái Lan - Việt Nam

Ông Amnat Jongyotying cùng đoàn nhà báo Chiang Mai, Thái Lan - Hà Nội, Việt Nam

- PV: Ông nhận thấy phong tục mừng năm mới của người Thái Lan có nét gì tương đồng với Việt Nam và xu hướng đón Tết của người dân Thái Lan hiện đại như thế nào, thưa ông?

- Ông Amnat Jongyotying: Tết mừng năm mới của Việt Nam và Thái Lan có nhiều nét tương đồng, bởi cùng trong bối cảnh khu vực và truyền thống nông nghiệp. Kỳ nghỉ Tết của người Thái Lan khá dài và đây là lễ hội lớn của cả nước.

Vào dịp Tết, người dân Thái Lan được nghỉ ngơi sau một năm lao động bận rộn, vất vả. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều người dân Thái không nghỉ ở nhà mà chọn kỳ nghỉ Tết để đi du lịch. Giữa Việt Nam và Thái Lan đã có nhiều đường bay thẳng thuận tiện cho việc di chuyển. Việt Nam lại có rất nhiều địa danh đẹp, giàu bản sắc để trải nghiệm, khám phá mà người Thái rất thích. Do vậy, vào dịp Tết, nhiều khách du lịch Thái Lan chọn Việt Nam là điểm đến.

- PV: Sau mỗi chuyến đến Việt Nam, báo chí Chiang Mai sẽ truyền thông như thế nào về hình ảnh đất nước, con người nơi đây, cũng như những điểm mà đoàn công tác ghé thăm, thưa ông?

- Ông Amnat Jongyotying: Sau mỗi chuyến đi Việt Nam, chúng tôi đều đăng tải thông tin về nội dung làm việc, các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, công tác chuyên môn, cũng như trải nghiệm của đoàn, qua các loại hình truyền thông của địa phương: Báo in, báo điện tử, mạng xã hội…

Đối với truyền thông Chiang Mai, hình ảnh đất nước, con người Thủ đô Hà Nội nói riêng và người dân Việt Nam nói chung rất đẹp, thân thiện và mến khách.

- PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Nam là quốc gia đạt được nhiều danh hiệu quốc tế về du lịch, khẳng định vị thế hàng đầu của du lịch Việt Nam trong khu vực, sánh ngang với nhiều cường quốc trên thế giới.

Những thành tựu, danh hiệu đó cũng cho thấy tầm nhìn và nỗ lực sáng tạo của các nhà đầu tư chiến lược tiên phong như Sun Group trong việc kiến tạo những công trình biểu tượng, đem đến trải nghiệm du lịch mới mẻ, ấn tượng cho du khách, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam trong giai đoạn hội nhập.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :