NSND Thoại Miêu: Ngược dòng xuất thần vai đào độc
Công diễn tối 30-9 tại rạp Đại Nam và chiếm trọn cảm tình của khán giả thủ đô, vở "Vương quyền" đã để lại nhiều dấu ấn đến độ NSND Thoại Miêu không thể ngăn được xúc động khi nói về vai diễn vốn không phải sở trường của mình
Khán giả thủ đô Hà Nội đã chào đón các nghệ sĩ TP HCM, trong đó có NSND Thoại Miêu, bằng một tình cảm nồng ấm. "Vương quyền", hay "Vụ án Tống Thị Quyên" (kịch bản: Bích Ngân, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) để lại ấn tượng rất mạnh trong lòng người xem, trong đó nhân vật Thái hậu Trần Thị Đang là một trong những điểm nhấn độc đáo của vở diễn.
NSND Thoại Miêu trong vai Thái hậu Trần Thị Đang (vở “Vương quyền”)
Vào vai diễn đào độc vốn không phải sở trường, NSND Thoại Miêu đã dành trọn sự nể phục của bạn nghề tại Liên hoan Sân khấu thủ đô lần V-2022. Bà kể, tác phẩm do Chi hội Biểu diễn nghệ thuật Thăng Long - Hội Sân khấu Hà Nội thực hiện như một sự nối tiếp những tác phẩm cải lương đề tài lịch sử, không chỉ cố gắng thu hút khán giả đến rạp thông qua liên hoan mà còn nhằm có được doanh thu khi công diễn tại TP HCM và nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Thái hậu Trần Thị Đang, qua diễn xuất tinh tế của một nghệ sĩ gạo cội vẫn giữ được đỉnh cao phong độ như Thoại Miêu, chắc chắn sẽ còn khiến người xem nhớ mãi từ ánh mắt, cử chỉ cho đến tiếng cười thể hiện sự thâm hiểm của một người đàn bà giàu quyền lực, muốn triệt tận gốc những mầm mống có thể ngăn cản bước tiến vương quyền.
Vai diễn đầy cá tính của NSND Thoại Miêu xuất hiện tại liên hoan vừa hấp dẫn, vừa như một điểm tựa vững vàng, yểm trợ các diễn viên trẻ tranh tài lần này như: Hoàng Quốc Thanh (vai Lê Văn Duyệt), Bình Tinh (Tống Thị Quyên), Trọng Nhân (Hoàng Tôn Đán), Nguyễn Thanh Toàn (Phạm Đăng Hưng) và các đàn em yêu nghề muốn khẳng định tài nghệ: NSƯT Kim Tiểu Long (vua Minh Mạng), NSƯT Mỹ Vân (Đỗ Thị Phận)…
Những ngày tháng nỗ lực tập dượt vào vai với vở diễn đã giúp NSND Thoại Miêu có cơ hội tiếp cận, hiểu biết thêm về lịch sử. Vụ án Tống Thị Quyên tuy vẫn còn nhiều góc khuất bí ẩn đã đi vào lịch sử nhưng nhà văn Bích Ngân đã dựa vào những nghi vấn để khái quát một thông điệp: Mọi "thủ đoạn chính trị" của Thái hậu Trần Thị Đang đều muốn triệt tiêu sức ảnh hưởng của dòng dõi hoàng tử Cảnh - dòng trưởng, để đưa con trai mình chiếm quyền thừa kế.
"Vở đã khai thác các tình tiết theo hướng truyền tải tư tưởng chính: Vương quyền có thể nắm trong tay nhưng không thể bền vững nếu đánh mất lòng nhân. Tôi vỡ òa hạnh phúc vì khán giả thủ đô quá dễ thương, họ dành cho tôi lời thăm hỏi, động viên cũng như cổ vũ sự sáng tạo của dàn diễn viên trẻ. Lâu lắm rồi kể từ sau đại dịch, các nghệ sĩ TP HCM mới ra thủ đô tham dự liên hoan và khán giả mong mỏi vở sẽ được tái diễn trong thời gian sớm nhất, thỏa lòng mong đợi của số đông khán giả vẫn còn chưa thể xem" - NSND Thoại Miêu tâm sự.
Luôn tạo điều kiện cho thế hệ trẻ học hỏi những kinh nghiệm của người đi trước, tại các liên hoan, hội diễn sân khấu thời gian qua, dù đã nghỉ hưu, nhưng mỗi khi Nhà hát Trần Hữu Trang mời, NSND Thoại Miêu luôn sẵn sàng tham gia biểu diễn, chấm thi hoặc chỉ đến để động viên các diễn viên trẻ làm nghề. Tại buổi trao Giải Mai Vàng lần 27-2021 hạng mục "Tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc trong năm" tổ chức ở Báo Người Lao Động, bà từng nói: "Tôi cảm ơn Báo Người Lao Động suốt 27 năm qua vẫn giữ vững hoạt động sau mặt báo vô cùng ý nghĩa, đó là Giải Mai Vàng. Năm nào bạn đọc cũng bầu chọn nghệ sĩ sân khấu có vai diễn hay, trong đó có nhiều gương mặt trẻ hoạt động trong lãnh vực cải lương. Tôi cảm kích trước sự bình chọn của bạn đọc dành cho các vai diễn mới, mà nỗ lực làm mới các tác phẩm đã là sứ mệnh của đội ngũ trẻ hôm nay. Do vậy, họ cần được động viên, khen thưởng. Vì thế, Giải Mai Vàng vẫn tồn tại để kết nối nhịp cầu thân thương giữa bạn đọc, khán giả và văn nghệ sĩ".