A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những mảng tối của showbiz Việt (*): Góc khuất sau trường quay

Một số diễn viên tìm đến "cái chết trắng" sau trường quay khiến danh tiếng tuột dốc thảm hại. Họ vướng vào tệ nạn do không suy nghĩ đến trách nhiệm phải làm gương trước người hâm mộ

Các diễn viên như Nguyễn Huỳnh (qua đời năm 2009), Hồng Sơn (qua đời năm 2011), Phạm Minh Quốc, Thương Tín, Hiệp "gà" đều từng lao đao vì "cái chết trắng". Trong đó, Hiệp "gà", Phạm Minh Quốc còn ngồi tù do tàng trữ trái phép chất ma túy.

Lụi tàn vì ma túy

Diễn viên Nguyễn Huỳnh sinh năm 1967 tại tỉnh Bến Tre, là con áp út trong một gia đình 10 anh em. Ông từng tham gia nhiều phim như: "Tình người kiếp rắn", "Vầng trăng bị che khuất", "Bóng đêm cuộc tình", "Giã từ dĩ vãng", "Bến bờ khát vọng", "Cô nữ sinh bướng bỉnh"… Lúc sự nghiệp đang phát triển mạnh, năm 2000, Nguyễn Huỳnh gây xôn xao khi vướng vào ma túy, được gia đình đưa đến Trung tâm Bình Phước cai nghiện.

Suốt 5 năm sau đó, Nguyễn Huỳnh không bỏ quên đam mê nghệ thuật, tích cực trong việc sáng tác, vận động nhiều người ở trung tâm cai nghiện tham gia văn nghệ. Trở lại với trường quay sau khi hoàn thành chương trình cai nghiện, Nguyễn Huỳnh được sự động viên của một số đồng nghiệp và tham gia các phim: "Chuyện tình yêu", "Nhịp đập trái tim", "Bông hồng trà"...

Những mảng tối của showbiz Việt (*): Góc khuất sau trường quay - Ảnh 1.

Cố diễn viên Hồng Sơn trong vai Dỏ, phim “Ma làng”. (Ảnh cắt màn hình)

Tuy nhiên, "cái chết trắng" vẫn đeo bám Nguyễn Huỳnh và ông tái nghiện, phải trở lại trung tâm lần hai. Thời gian cai nghiện đã bào mòn thanh xuân và sự nghiệp diễn viên của Nguyễn Huỳnh lụi tàn. Ông đã qua đời năm 2009 do bệnh tại một bệnh viện ở Vũng Tàu, khi mới 42 tuổi.

Gần giống Nguyễn Huỳnh, diễn viên Hồng Sơn, quê Hà Nội, từng ghi dấu ấn với các phim "Hoa cỏ dại", "Thung lũng tình yêu"... Sau phim "Người Hà Nội", ông dần dần gánh chịu bi kịch do ma túy mang lại.

Hồng Sơn mất đi tất cả và chìm trong bế tắc, đau khổ đến mức kết liễu cuộc đời. Tự tử không thành, ông quyết tâm cai nghiện và thành công sau 2 năm. Dù trở lại với phim "Ma làng" nhưng Hồng Sơn đã qua đời năm 2011.

Thương Tín - một diễn viên được khán giả mê điện ảnh những năm 1980 yêu thích với các phim "Biệt động Sài Gòn", "Ván bài lật ngửa"… - cũng từng tìm đến ma túy. Theo diễn viên này kể lại với báo chí, những năm 1990, khi người vợ thương yêu qua đời, ông không chịu nổi cú sốc nên lao vào ma túy để quên lãng. Sau đó, năm 2003, ông về quê ở Phan Rang để cai nghiện và chiến thắng được "cái chết trắng". Tuy nhiên, diễn viên này khó có thể tìm lại ánh hào quang một thời, sự nghiệp dần tàn lụi.

Khác với những diễn viên tự tìm đến trung tâm, trại cai nghiện để kết thúc nỗi đau khổ do ma túy mang lại, Hiệp "gà" và Phạm Minh Quốc lần lượt phải ngồi tù vì tàng trữ trái phép chất ma túy. Trong đó, Hiệp "gà" bị bắt năm 2007 với hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, nhận án 2 năm tù. Nam diễn viên hài này khai nhận đã sử dụng ma túy hơn 1 năm trước nhưng không thường xuyên. Sau khi ra tù, Hiệp "gà" trở lại với nghệ thuật, đóng phim và diễn hài nhưng danh tiếng không như xưa.

Diễn viên Phạm Minh Quốc bị bắt năm 2008 cũng do tàng trữ trái phép chất ma túy, nhận án 2 năm tù. Sau khi ra tù, nam diễn viên này đã nỗ lực trở lại với nghệ thuật.

Lý trí giữ đạo đức

Đa phần những diễn viên vướng vào "cái chết trắng" sau trường quay đều không thể tìm lại trọn vẹn tình cảm của khán giả. Họ đều là diễn viên tài năng trên màn ảnh, từng một thời được yêu thích, là thần tượng của không ít người nhưng lại không giữ được niềm tin, làm tròn trách nhiệm của người nổi tiếng.

Dù tài năng còn đó, họ vẫn khó có thể tìm lại thanh xuân, niềm tin và hào quang đã mất. Một số ít người hâm mộ vì quá yêu quý mà tìm cách lý giải thần tượng của mình vướng ma túy là do cám dỗ, do áp lực trong công việc diễn xuất lẫn cuộc sống song tất cả chỉ là chống chế, biện hộ thiếu thuyết phục.

Bởi lẽ, bất kỳ nghề nào, người nào cũng có những khó khăn, áp lực, góc khuất riêng. Tuy nhiên, đâu phải ai cũng vướng vào "cái chết trắng", vi phạm pháp luật, trở thành hình ảnh tiêu cực. Sống lý trí, trách nhiệm để giữ đạo đức, giữ niềm tin và nhất là làm gương trước người hâm mộ trẻ là yếu tố quan trọng đối với diễn viên và người nổi tiếng nói chung.

Theo diễn viên Kiều Trinh, bất kỳ ai cũng phải có trách nhiệm với xã hội và diễn viên, người nổi tiếng lại càng phải có trách nhiệm trong từng hành động. Ma túy là chất cấm, không nên thử dù chỉ một lần và điều này ai cũng biết. Chúng ta không thể dùng bất cứ lý do gì để biện hộ cho hành vi vi phạm.

"Mỗi người đều có những biến cố, khó khăn riêng nhưng không phải vì biến cố, khó khăn đó mà buông bỏ bản thân, lý trí, không nghĩ đến hậu quả, làm tổn thương những khán giả từng yêu mến mình. Tôi cũng là người từng chịu nhiều biến cố trong đời sống cá nhân nhưng ở những thời khắc đó, tôi luôn lấy điểm tựa tinh thần là mẹ, là các con để vượt qua. Tôi mong các bạn trẻ trước khi làm việc gì cũng cần nghĩ đến trách nhiệm, hậu quả" - diễn viên Kiều Trinh bộc bạch.

Nhà biên kịch Đông Hoa cho rằng người của công chúng đều có sức ảnh hưởng, tác động đến xã hội. "Nếu không giữ được lý trí thì hậu quả không chỉ là tù tội mà các diễn viên còn phải trả giá nhiều hơn là mất đi sự yêu thương, niềm tin từ khán giả. Với người trong giới nghệ thuật, mất đi tình yêu thương của khán giả là mất mát kinh khủng, bi thương nhất" - nhà biên kịch Đông Hoa nhìn nhận.

Trở lại vụ việc đang được dư luận quan tâm liên quan đến diễn viên Hữu Tín. Trước khi bị bắt giữ vì sử dụng ma túy, Hữu Tín là một trong những diễn viên hài trẻ được yêu thích. Anh trưởng thành từ Sân khấu Kịch Hồng Vân, có nhiều vai diễn duyên dáng.

Nhóm kịch X-pro nơi Hữu Tín cộng tác gồm 10 diễn viên đã giành giải quán quân "Cười xuyên Việt". Họ đã chăm chút, góp sức tạo dựng tên tuổi và vun vén cho Hữu Tín trong các khâu để anh tỏa sáng trong nhiều game show như: "Ơn giời cậu đây rồi", "Nhanh như chớp"...

Tuy nhiên, Hữu Tín đã phụ lòng công chúng và đồng nghiệp, quay lưng với niềm tin yêu mà nhiều người dành cho anh. Đó là mảng tối đáng chê trách trong đời sống giải trí hôm nay.

Hình phạt lớn nhất

Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, ngoài nhiệm vụ làm đẹp nghệ thuật trên sân khấu và các sản phẩm văn hóa, nghệ sĩ còn phải thực hiện trách nhiệm công dân và quy ước của xã hội. Đặc biệt, nghệ sĩ phải giữ hình ảnh trước công chúng bởi họ có sức ảnh hưởng rất lớn, được khán giả hâm mộ, có người còn là thần tượng của giới trẻ.

"Vụ việc diễn viên Hữu Tín sẽ được xử lý theo quy định. Những thông tin tiêu cực về diễn viên này là lời nhắc nhở với anh chị em nghệ sĩ, nhất là các bạn trẻ. Mỗi người cần phải tuân thủ theo pháp luật, giữ hình ảnh của chính mình. Nghệ sĩ mắc sai phạm sẽ bị phạt và đối mặt với lao lý nhưng hình phạt lớn nhất đối với họ là bị khán giả tẩy chay" - NSND Trần Ngọc Giàu nhận định.

T.Hiệp

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-6


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :