A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tác giả từ điển nói về "nhà báo" được diễn giải là "người thất nghiệp, ăn bám"

Theo TS Huỳnh Công Tín, từ "nhà báo" trong từ điển "Từ ngữ Nam Bộ" mà ông biên soạn là dùng trong lời nói của người dân Nam Bộ, được hiểu theo nghĩa bóng, chứ không phải chỉ nghề của người làm báo.

Hai ngày qua, mạng xã hội xôn xao về cuốn từ điển "Từ ngữ Nam Bộ" do TS Huỳnh Công Tín biên soạn. Trong cuốn từ điển này có từ "nhà báo" được diễn giải "là những người không có công ăn việc làm, thất nghiệp, đang ăn bám vào gia đình". Qua đó, tác giả còn đưa ví dụ: "Ra trường rồi ở nhà làm nhà báo chớ có làm được gì đâu".

Tác giả từ điển nói về nhà báo được diễn giải là người thất nghiệp, ăn bám - Ảnh 1.

Từ điển "Từ ngữ Nam Bộ" do TS Huỳnh Công Tín biên soạn

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Huỳnh Công Tín (hiện đang giảng dạy tại Trường ĐH Tây Đô), cho biết ông lấy làm bất ngờ vì mọi người lại quan tâm đến cuốn từ điển của ông, vì sách đã được xuất bản từ lâu.

Theo TS Huỳnh Công Tín, đây là từ điển về từ ngữ Nam Bộ dùng trong lời nói của người dân Nam Bộ chứ không phải từ ngữ trong từ điển Tiếng Việt. Trong chú giải có để (nb) tức "nghĩa bóng", nên từ "nhà báo" không phải chỉ những người đi làm báo mà nói về những người thất nghiệp.

Tác giả từ điển nói về nhà báo được diễn giải là người thất nghiệp, ăn bám - Ảnh 2.

Từ "nhà báo" được diễn giải trong từ điển

"Khi học ra trường hay bị hỏi làm nghề gì thì người Nam Bộ hay nói vui "làm nhà báo", ý nói "tôi còn thất nghiệp, ăn bám gia đình, chưa có công ăn việc làm, còn phụ thuộc vào người khác", chứ không phải "nhà báo" chỉ những người làm nghiệp vụ báo chí. Những người thắc mắc họ không hiểu và không đặt trong ngữ cảnh nào hết. Muốn hiểu kĩ thì nên đọc lời dẫn của quyển từ điển này" - TS Huỳnh Công Tín nói.

Từ điển "Từ ngữ Nam Bộ" do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà nội xuất bản năm 2007 có 1.392 trang. Năm 2009, Nhà Xuất bản Chính trị in lại với 1.472 trang

TS Huỳnh Công Tín sinh năm 1956, ông tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ học. Từ năm 1980-2008, ông giảng dạy tại Trường ĐH Cần Thơ, sau đó là Hiệu trưởng Trường ĐH Võ Trường Toản, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam… Đến năm 2016 thì ông về hưu. Năm 2020, Trường ĐH Tây Đô mở ngành truyền thông đa phương tiện và mời ông về giảng dạy ở 2 môn: Tác phẩm và thể loại báo chí, nghệ thuật chữ.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :