A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Họa sĩ Tô Dự Sống và vẽ trong yêu thương

Họa sĩ Tô Dự - người bạn thân thiết của gia đình tôi - đã ra đi, sau 93 năm, trải qua bao biến động lịch sử thăng trầm của hai miền Nam Bắc, ông đã trọn một cuộc đời sống và vẽ

Ông từng công tác ở Xứ Đoàn Nam Bộ đóng ở Bạc Liêu với mẹ tôi và là họa sĩ của Báo Nhân Dân miền Nam thời "nóp với giáo" cùng ba tôi. Các thành viên hai gia đình cũng thân thiết với nhau từ bấy đến giờ.

Với tôi, ông là người giúp tôi yêu thích hội họa từ nhỏ. Ông là người bạn Facebook lớn tuổi nhất của tôi. Tôi cũng vinh hạnh được là người viết lời giới thiệu tập sách tuyển tập tác phẩm hội họa vừa in xong của ông, mà ông vừa được cầm trên tay mấy ngày trước khi ông mất.

Họa sĩ Tô Dự Sống và vẽ trong yêu thương - Ảnh 1.

Họa sĩ Tô Dự

Họa sĩ Tô Dự đến với hội họa từ thời trai trẻ nhưng rồi phải gác lại mọi ước mơ để cùng lớp lớp thanh niên thời ấy "xếp bút nghiên lên đường tranh đấu".

Ông tham gia kháng chiến, vào công tác ở Xứ Đoàn Nam Bộ rồi được điều về làm họa sĩ ở Báo Nhân Dân miền Nam đóng tại bưng biền Bạc Liêu, Cà Mau...

Ông chưa từng học vẽ ở trường lớp chính quy nào nhưng đã khiến bao người phải trầm trồ thán phục bởi những bức ký họa sinh động xuất thần ngay trong bối cảnh vừa đánh giặc vừa sản xuất tại vùng đất nổi tiếng "dưới sông sấu lội trên rừng cọp um"...

Ông tập kết ra Bắc sau Hiệp định Genève rồi được chọn đi học mỹ thuật tại Ukraine (Liên Xô cũ). Về nước, ông tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1973, ông lại vào chiến trường, lần này cũng với cây bút và hộp màu trong balô, ông đi sáng tác tại các chốt tiền tiêu, trạm giao liên dọc đường ra trận.

Sau năm 1975, ông về quê hương Cần Thơ, lại dạy vẽ, làm những việc được phân công như Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Cần Thơ mà ông là một trong những người sáng lập. Với vốn tiếng Nga và tiểu sử có vài năm học tập ở Liên Xô, ông được cử làm Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt Xô, thế là ông lại "ăn cơm tập thể ngủ giường cá nhân" lo việc nhà nước.

Mãi đến khi đã nghỉ hưu hơn 30 năm, ông mới về Củ Chi (TP HCM) sinh sống gần con cháu.

Tôi được xem tranh ông từ nhỏ tới giờ. Tranh của ông hiền hậu, ấm áp, đầy nét tươi tắn như cá tính của ông. Tôi thích cách ông vẽ với gam màu nhẹ, mỏng, tươi sáng mềm mại, phảng phất phong cách của danh họa Levitan (Nga)... Nó đẹp và dễ chinh phục với cả những người xem tranh khó tính nhất.

Với thế mạnh truyền thống vững về hình họa như các danh họa tiền bối thường có, họa sĩ Tô Dự còn đa dạng trong việc chọn đề tài, nhân vật, gam màu. Đề tài của ông là những người lính, những thương binh, những cô dân quân tự vệ có gương mặt sáng và đẹp. Cũng có khi là phong cảnh đồng quê yên bình, một dòng sông, một khoảng vườn nông thôn Việt Nam, vài nếp nhà hay một triền đồi nước Nga tuyết phủ...

Tôi cũng nhận được sự ưu ái của họa sĩ Tô Dự dành cho người nhà là được xem trước bộ tranh ký họa trong tập tranh sắp ra mắt của ông. Đã là ký họa thì thường là phác thảo, là tranh ghi chép tư liệu, là những nét tốc ký từng chi tiết vụt xuất hiện, từng góc nhìn đầy chọn lựa tinh tế đối với cái đẹp mang tính phát hiện mà không phải ai cũng thấy. Bên cạnh những ký họa của một họa sĩ đã trải qua hơn nửa đời mình trong "một thời đạn bom, một thời hòa bình", còn có những ký họa các loài động vật rất sinh động và dễ thương, cho ta thấy tâm hồn yêu thiên nhiên của họa sĩ Tô Dự rất mãnh liệt và trẻ trung.

Bức tranh cuối cùng trong tuyển tập hội họa của ông là tranh tĩnh vật được vẽ sau khi ông mổ mắt, ông vẽ nó để tự đánh giá sức nhìn của mắt và độ vững vàng của bàn tay cầm cọ vẽ ở tuổi 90. Khoảng cách thời gian giữa bức tranh ông vẽ đầu tiên và tấm cuối cùng trong tập sách này là 65 năm.

Họa sĩ Tô Dự đã ra đi, nhưng ông đã để lại nhiều công trình đóng góp cho nền mỹ thuật nước nhà, như các tập tranh: "Đến với bạn" - sáng tác ở nước láng giềng Campuchia, "Tầm Vu", "Đón đoàn tàu Côn Đảo"... Trong những tác phẩm lớn của ông còn có các tranh treo ở Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Quân khu 9 và đồ sộ nhất là bộ tranh ghép gốm ở Long Mỹ - Cần Thơ nặng hàng chục tấn, dài gần 200 m, tổng diện tích 400 m2, chủ đề ca ngợi chiến thắng của quân và dân ta trong một trận chống càn.

Ký ức sắc màu của cuộc đời họa sĩ Tô Dự càng thêm giá trị khi được thể hiện bằng những nét cọ tài hoa của ông - một chứng nhân lịch sử đi suốt dọc thời gian, không gian của đất nước cùng những bài ca không thể nào quên.


Tác giả: Bài và ảnh: Huỳnh Dũng Nhân
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
  • :
  • :