A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các địa phương bảo tồn, phát huy trang phục dân tộc thiểu số

Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" đã được các địa phương triển khai với nhiều cách làm phong phú, thiết thực.

Các địa phương bảo tồn, phát huy trang phục dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Người Dao xã Quảng Khê (Ba Bể) bảo tồn, lưu giữ trang phục truyền thống - Ảnh: Đăng Hải

Tỉnh Bắc Kạn có 34 dân tộc thiểu số sinh sống nhưng chiếm tỉ trọng lớn nhất là các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Sán Chay, Hoa. Sau 2 năm triển khai, Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" trên địa bàn tỉnh đã góp phần tôn vinh, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống phổ biến trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng, xã hội.

 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành khảo sát, kiểm kê, đánh giá trang phục truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay, Mông, Dao tại 63 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố còn lưu giữ được trang phục truyền thống để nhận diện về trang phục.

Điển hình như, trang phục truyền thống của dân tộc Tày tại các địa phương đến thời điểm hiện tại vẫn được bảo tồn khá tốt so với các dân tộc khác. Hiện nay, người dân ở một số địa phương còn duy trì và thường xuyên mặc trang phục truyền thống như các xã: Bình Văn (Chợ Mới); Cường Lợi, Xuân Dương, Trần Phú (Na Rì); Nam Mẫu, Khang Ninh (Ba Bể); Bằng Vân, Đức Vân (Ngân Sơn).

Trang phục truyền thống của người Sán Chay (Sán Chỉ) ở xã Bộc Bố (Pác Nặm) còn được sử dụng và bảo tồn khá nguyên vẹn, trang phục được sử dụng khá thường xuyên trong sinh hoạt hằng ngày, các sự kiện quan trọng như lễ, tết, các dịp sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống của địa phương, thậm chí cả khi đi chợ phiên.

Trang phục truyền thống của dân tộc Dao tại các địa phương đến thời điểm hiện tại vẫn được bảo tồn khá tốt so với các dân tộc khác. Tuy nhiên, do sự phát triển của xã hội, thói quen sử dụng trang phục truyền thống của người dân dần thay đổi, trang phục truyền thống dường như không được sử dụng trong sinh hoạt thường ngày vì đặc điểm của trang phục khá bất tiện trong sinh hoạt và lao động sản xuất, cho nên bà con chỉ sử dụng vào các dịp lễ, tết, ngày hội của dân tộc và một số địa phương vẫn sử dụng trang phục trong đám cưới. Ở một số địa phương còn duy trì và thường xuyên mặc trang phục truyền thống như các xã Bình Trung, Ngọc Phái, Xuân Lạc (Chợ Đồn); Đổng Xá (Na Rì).

Trong 2 năm triển khai Đề án, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các huyện Ba Bể, Pác Nặm và thành phố Bắc Kạn xây dựng được 3 cụm pa nô tuyên truyền về trang phục truyền thống dân tộc thiểu số; phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh lựa chọn 8 thôn thuộc 8 huyện, thành phố để tổ chức tập luyện, trình diễn trang phục truyền thống lồng ghép trong chương trình văn nghệ chào mừng của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022, qua đó tạo thêm động lực, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của mỗi địa phương.

Thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" tại tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2022, Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng đã tặng 600 bộ trang phục truyền thống (nam, nữ) dân tộc Khmer cho học sinh dân tộc các trường dân tộc nội trú.

Các trường được tặng trang phục gồm: Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương (thành phố Sóc Trăng), Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Thạnh Phú (Mỹ Xuyên) và Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở huyện Thạnh Trị.

Các địa phương bảo tồn, phát huy trang phục dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Các chàng trai, cô gái dân tộc Khmer trong trang phục truyền thống

Đề án nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao ý thức trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Đồng thời, Đề án triển khai công tác đánh giá thực trạng về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã được kiểm kê và lập danh mục, sưu tầm; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, đưa cán bộ nghiệp vụ và các nghệ nhân có uy tín tham gia các lớp tập huấn, truyền dạy kỹ năng bảo tồn trang phục truyền thống; tổ chức chương trình liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giới thiệu đến với công chúng.

Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định phê duyệt đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay với tổng kinh phí là 222,9 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương là 51,2 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 171,7 tỷ đồng.

Đề án thực hiện trong thời gian từ năm 2019-2030 (chia thành 2 giai đoạn) với những mục tiêu cụ thể: Hoàn thành 100% việc kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, khôi phục trang phục truyền thống của 3 dân tộc đã mai một. Đến năm 2022, 100% học sinh trường dân tộc nội trú các tỉnh, thành phố triển khai mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần và các dịp lễ, tết, hội. Lập 10 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật thêu hoa văn, trang trí hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Nguồn:https://baochinhphu.vn/cac-dia-phuong-bao-ton-phat-huy-trang-phuc-dan-toc-thieu-so-102221219091942878.htm Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
  • :
  • :