Việt Nam chi gần 5 tỉ USD nhập khẩu bắp, lúa mì, đậu nành để làm gì?
Trong 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 13 triệu tấn bắp, lúa mì, đậu nành trị giá gần 5 tỉ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch nhập khẩu nông - lâm - thuỷ sản 10 tháng đầu năm 2023 đạt 33,78 tỉ USD, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, những mặt hàng nhập khẩu chính có bắp với khối lượng 7,96 triệu tấn, trị giá 2,43 tỉ USD, tăng 5,2% về khối lượng nhưng giảm 8,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân do giá bắp nhập khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2023 ước còn 305 USD/tấn, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến tháng 9-2023, nguồn nhập bắp của Việt Nam chủ yếu là Argentina, Brazil, Ấn Độ chiếm hơn 90,3% thị phần.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu gần 8 triệu tấn bắp
Lúa mì cũng là nông sản Việt Nam nhập nhiều với khối lượng 3,62 triệu tấn, giá trị 1,27 tỉ USD, tăng 7% về khối lượng nhưng giảm 3,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân cũng do giá lúa mì nhập khẩu giảm, bình quân 350 USD/tấn, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam nhập khẩu lúa mì chủ yếu từ Úc, Mỹ, Brazil chiếm 89%.
Tiếp đến là đậu nành với sản lượng nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2023 là 1,53 triệu tấn, trị giá 975 triệu USD, tương đương khối lượng nhập khẩu của cùng kỳ năm 2022 nhưng giảm 8,5% về giá trị do giá nhập khẩu giảm.
Như vậy, trong 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã nhập 13,11 triệu tấn bắp, lúa mì, đậu nành; tổng giá trị 4,675 tỉ USD.
Theo các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản, Việt Nam nhập khẩu bắp, lúa mì, đậu nành dùng làm nguyên liệu cho ngành chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Sản phẩm của 2 ngành này ngoài phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước còn để xuất khẩu, đang ngày càng tăng.
Việt Nam gần như không trồng được lúa mì. Còn bắp và đậu nành tuy có trồng được nhưng giá thành cao, cạnh tranh kém hơn so với hàng nhập khẩu.