Sản phẩm nông - thủy sản chủ lực Cà Mau có mặt hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ
Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Cà Mau trong 10 tháng năm 2024 đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
Quang cảnh Hội nghị kết nối giao thương. |
Ngày 15/11, Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị kết nối xúc tiến thương mại sản phẩm nông, thủy sản tỉnh Cà Mau năm 2024.
Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, cùng lãnh đạo các Vụ, Cục, tổ chức quốc tế, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nhiều sản phẩm đặc trưng
Cà Mau có hơn 280.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, sản lượng tôm hàng năm khoảng 250.000 tấn, cung cấp nguyên liệu tại chỗ cho 41 nhà máy chế biến thuỷ sản, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1 tỷ USD/năm.
So sánh với các cường quốc xuất khẩu tôm khác, Cà Mau có lợi thế cạnh tranh lớn nhờ vào các sản phẩm giá trị gia tăng, các sản phẩm này giúp cho Cà Mau nhiều năm giữ vững thị phần tại các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Nhật, Úc, Hàn Quốc….
Tôm Cà Mau không chỉ nổi bật nhờ vào sản lượng lớn mà còn nhờ vào chất lượng vượt trội. Được phát triển theo nhiều mô hình nuôi sinh thái, đạt nhiều chứng nhận quốc tế.
Ngoài tôm, cua Cà Mau cũng là một sản phẩm có lợi thế cạnh tranh đặc biệt, nổi bật với vị ngon, ngọt, chắc thịt đặc trưng, khó có nơi nào sánh bằng.
Cua Cà Mau được nuôi thả xen kẽ với tôm và các loài thủy sản khác trên diện tích khoảng 250.000 ha, sản lượng đạt khoảng 25.000 tấn mỗi năm. Sản phẩm cua Cà Mau hiện đã được xuất khẩu sang các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Lào, Campuchia… với tiềm năng phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau có 151 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó 29 sản phẩm đạt 4 sao, 122 sản phẩm 3 sao; các chủ thể cơ bản đảm bảo điều kiện năng lực sản xuất, liên kết sản xuất, chứng nhận chất lượng như ISO, VietGAP, HACCP, nhãn hàng hóa và bao bì, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Mong muốn kết nối
Phát biểu tại buổi hội nghị, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xúc tiến thương mại, tình hình xuất khẩu, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm của tỉnh Cà Mau vẫn còn những khó khăn, hạn chế.
“Tỉnh Cà Mau rất mong muốn các doanh nghiệp là nhà nhập khẩu, nhà phân phối, bán lẻ trong và ngoài nước hỗ trợ kết nối, tư vấn để doanh nghiệp Cà Mau hoàn thiện sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng cũng như nhu cầu và thị hiếu của thị trường; phương thức mua/bán, các điều kiện phải đảm bảo trong quá trình hợp tác kinh doanh.
Để cùng nhau chia sẻ và có tiếng nói chung sau khi kết thúc hội nghị, tỉnh Cà Mau hy vọng các bên sẽ tích cực tìm kiếm, kết nối trực tiếp, trao đổi rõ hơn về các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Cà Mau trong Phiên Kết nối giao thương trực tiếp”, ông Sử chia sẻ.
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương thông tin đến đại biểu trong 10 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt gần 646 tỷ USD, tăng 15,5%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 335 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện tại các sản phẩm nông, thủy sản chủ lực của Cà Mau đã và đang có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong 10 tháng vừa qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Cà Mau đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023.
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng UBND tỉnh Cà Mau và các doanh nghiệp của tỉnh trong công tác triển khai các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm có thế mạnh của Cà Mau.
Cũng như tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh trong hoạt động thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đảm bảo tính bền vững và lâu dài cho chuỗi cung ứng, đóng góp tích cực cho hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu của Việt Nam”, bà Thắng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, đại diện Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước: Nhật Bản, Singapore, Ấn độ, Trung Quốc đánh giá cao lợi thế, tìm năng các sản phẩm nông, thủy sản của tỉnh Cà Mau, đồng thời lưu ý địa phương một số vấn đề trong việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước trên.
Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra phiên kết nối sản xuất phân phối, đồng thời kết nối giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp.
Trước đó, đại biểu cũng đã có chuyến khảo sát thực tế hoạt động của một số nhà máy chế biến thủy sản, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Cà Mau.