A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quản lý thương mại điện tử: 'Đừng để con sâu làm rầu nồi canh'

Thương mại điện tử bùng nổ ở Việt Nam nhưng chưa được “phân cấp” phù hợp. Bên cạnh không ít cá nhân hoạt động bát nháo bán hàng kém chất lượng, trốn thuế vẫn có nhiều đơn vị lớn cung cấp sản phẩm chính hãng và nộp thuế đầy đủ.

“Phân cấp” thương mại điện tử

Vài năm trở lại đây, thương mại điện tử tại Việt Nam bùng nổ không ngừng. Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý 3/2024 và dự báo quý 4/2024 được Metric phát hành cho thấy 9 tháng đầu năm 2024, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực với tổng doanh số đạt 227,7 nghìn tỷ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ 2023.

Tuy nhiên, mặt trái của thương mại điện tử là vấn đề không thể phủ nhận. Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận TMĐT đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn, bao gồm nguy cơ lộ, lọt dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng và thất thu thuế. Riêng năm 2023, Bộ Công Thương đã tiếp nhận thông tin và gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm, ngăn chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm.

quan ly thuong mai dien tu dung de con sau lam rau noi canh hinh 1

Trên nền tảng thương mại điện tử vẫn còn tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. (Ảnh: DMS)

Đối tượng tham gia thương mại điện tử rất đa dạng, từ các cá nhân đến công ty nhỏ, công ty lớn. Mỗi đối tượng có mô hình, cách thức hoạt động khác nhau. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong suốt nhiều năm qua, đa số các đối tượng bị phanh phui vì cung cấp hàng giả, hàng nhái đều là các cá nhân hoặc công ty nhỏ lẻ.

Gần đây, cộng đồng mạng chấn động vì lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc bán trên kênh của hot Tiktok Phan Thủy Tiên. Toàn bộ sản phẩm được bán chủ yếu bằng hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử.

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Mạnh Cường để điều tra về hành vi trốn thuế. Đỗ Mạnh Cường đăng ký, sử dụng nhiều tài khoản bán hàng trên các sàn thương mại điện tử khác nhau (Shopee, Tiki, Lazada…) để kinh doanh điện thoại, phụ kiện với tư cách cá nhân.

Từ năm 2019 đến nay, hoạt động kinh doanh của Cường đã phát sinh doanh thu rất lớn, lên đến 160 tỷ đồng nhưng không kê khai, nộp thuế theo quy định, trốn thuế với số tiền khoảng 2,5 tỷ đồng, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước.

 

Trong khi đó, các đơn vị lớn thường bán hàng chính hãng và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế của mình. Vì vậy, cần phân biệt rõ hoạt động thương mại điện tử của các cá nhân với những doanh nghiệp chuyên nghiệp.

Thương mại điện tử: Đừng để con sâu làm rầu nồi canh

Trước tình trạng bát nháo trong thương mại điện tử, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, với nhiều quy định mới về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức bán hàng online và nền tảng trung gian.

quan ly thuong mai dien tu dung de con sau lam rau noi canh hinh 2

Trước tình trạng bát nháo trong thương mại điện tử, cơ quan chức năng đã vào cuộc. (Ảnh: ST)

Điểm quan trọng chính là quy định cá nhân, tổ chức bán hàng online phải cung cấp chính xác và đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng, bao gồm: tên, địa chỉ, số điện thoại, phương thức liên hệ khác (nếu có); số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) hoặc mã số DN; thông tin về đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng, giá, nguồn gốc, xuất xứ, thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ...

Quy định này nhận được sự ủng hộ từ người dân, doanh nghiệp và giới chuyên gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn có những mô hình quy củ nhưng lại chưa có “đường đi” rõ ràng. Một trong số đó là hoạt động bán thuốc kê đơn online. Hiện tại, hoạt động này đang diễn ra nhưng chưa được luật hóa.

Với tầm quan trọng của mình, hoạt động bán thuốc kê đơn online đã nhiều lần được đưa ra trao đổi trong nghị trường. Trong kỳ họp Quốc hội diễn ra trong tháng 8 năm nay, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đánh giá khám, chữa bệnh từ xa dần phát triển và việc kê đơn điện tử, tức đưa thuốc đến tận nhà cho người bệnh, là thương mại điện tử và sớm muộn sẽ diễn ra mạnh mẽ. Trong đó, hầu hết các loại thuốc được kê đơn.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất nên cho phép áp dụng trong trường hợp khám, chữa bệnh từ xa với điều kiện thuốc do nhà thuốc có uy tín (được cho phép cung cấp) và người vận chuyển (shipper) có đăng ký do nhà thuốc có danh sách quản lý.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :