Ngành nông nghiệp dự kiến cuối năm 2023 xuất khẩu về đích 54 tỉ USD
Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao hơn cả Ấn Độ và Thái Lan, đặc biệt Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo là thời cơ của Việt Na
Tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp hướng đến tăng trưởng xanh” vừa diễn ra tại TP.HCM, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ( NN&PTNT) cho biết, khi nền kinh tế gặp khó khăn thách thức nông nghiệp thể hiện vai trò là “bệ đỡ”.
Trong bối cảnh khó khăn chung, sáu tháng đầu năm cả nền kinh tế tăng trưởng 3,72%, công nghiệp tăng 1,23% thì nông nghiệp tăng trưởng 3,07%.
Hết bảy tháng đầu năm tất cả các tiêu chí của ngành nông nghiệp đều đạt.
Đơn cử như sản xuất lúa gạo đạt 24,14 triệu tấn, cả năm nay chắc chắn đạt trên 43 triệu tấn, trong đó hơn 14 triệu tấn phục vụ cho 98 triệu dân; chế biến tám triệu tấn; dự trữ 3,3 triệu tấn, chăn nuôi 3,4 triệu tấn, làm giống một triệu tấn.
Riêng gạo xuất khẩu 13,7-13,8 triệu tấn. Năm ngoái Việt Nam xuất khẩu 7,13 triệu tấn gạo, giá trị 3,49 tỉ USD.
Về chăn nuôi, tổng đàn heo, đàn gia cầm, đàn bò đều tăng. Sản lượng thịt heo từ đầu năm năm đạt 3,23 triệu tấn, tăng 5,4%, thủy sản đạt 5,1 triệu tấn tăng gần 2%....
"Tất cả các ngành trong nông nghiệp đều tăng trưởng, đây chính là bệ đỡ cho nền kinh tế" - ông Tiến nói.
Bảy tháng đầu năm 2023 xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,13 tỉ USD, tăng 3,4%, đặc biệt thặng dư 5,88 tỉ USD. Riêng rau quả đạt 3,23 tỉ USD tăng 68,1%, cà phê đạt 2,76 tỉ USD, tăng 6%, dự báo năm nay đạt 5 tỉ USD.
“Năm nay xuất khẩu thủy sản và gỗ giảm nhưng với đà tăng trưởng này chúng ta sẽ về đích 54 tỉ USD, đúng theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao” - ông Tiến nói.
Gạo Việt Nam xuất khẩu có giá 550 USD/ tấn cao hơn gạo Thái Lan nhờ chất lượng cao. Ảnh: TÚ UYÊN |
Theo ông Tiến, mặc dù đạt được một số thành tựu nhưng trong quá trình sản xuất nông nghiệp hiện mới chỉ chú trọng đến tăng năng suất, chưa quan tâm đến lượng dư thừa đầu vào của quá trình sản xuất cũng như phân bón hữu cơ để bồi dưỡng, tăng kết cấu đất, bảo vệ đa dạng sinh học.
Một số lĩnh vực như trồng lúa, thủy sản, chăn nuôi đã phát thải ra môi trường hàng ngàn tấn chất thải hữu cơ, là nguồn tài nguyên tái tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn chưa được quan tâm tái sử dụng hiệu quả mang lại giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT lĩnh vực trồng trọt còn hơn 80% phụ phẩm chưa được sử dụng, thải trực tiếp ra môi trường hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường…
Trước tình hình này, bộ có giải pháp với mô hình “phát triển một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh”, tất nhiên trên nền tảng 85% giống lúa mới, 89% đạm chất lượng cao…
“Chính vì vậy, gạo xuất khẩu Việt Nam mới có giá 550 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao hơn cả Ấn Độ, Thái Lan, đặc biệt Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo là thời cơ của Việt Nam” - ông Tiến nói.
Ghi nhận những ngày gần đây tại một số điểm bán, chợ nhiều tiểu thương cho biết tất cả các loại gạo đều tăng 1.000-3.000 đồng/kg. Một số người bán cho biết mối hàng cho biết do giá lúa ở miền Tây tăng, tình hình Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo đã tác động đến giá trong nước.
Theo Tổng Cục thống kê, giá gạo tẻ thường tăng 0,28%, gạo tẻ ngon tăng 0,14%; gạo nếp tăng 0,1% do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu.
Các quốc gia tích cực thu mua gạo nhằm bảo đảm an ninh lương thực khi hiện tượng El Nino được dự báo tác động tiêu cực đến canh tác nông nghiệp trên toàn cầu.