A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trao bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa - Ninh Thuận

Với việc công nhận này, Núi Chúa chính thức trở thành 1 trong 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam, nơi có hệ sinh thái khô hạn độc đáo.

Sáng 14-4, UBND tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới Núi Chúa từ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Cũng tại sự kiện này, tỉnh Ninh Thuận đã đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh vịnh Vĩnh Hy từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tại kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển vào tháng 9-2021 ở Nigeria, hồ sơ đề cử Khu DTSQ thế giới Núi Chúa đã được thông qua và chính thức được UNESCO công nhận. 

Trao bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa - Ninh Thuận - Ảnh 1.

Tỉnh Ninh Thuận đón nhận bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa. Ảnh: Nguyễn Tiến

Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, giá trị văn hóa bản địa tại Ninh Thuận. Đồng thời, thể hiện sự đánh giá cao của thế giới đối với các chính sách, cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển, bảo tồn thiên nhiên, văn hóa bản địa và ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc.

Trao bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa - Ninh Thuận - Ảnh 2.

Một góc Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa. Ảnh: Thành Trung

Vườn Quốc gia Núi Chúa (thuộc huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) là một vùng rộng lớn, bao gồm phần biển với tổng diện tích hơn 106.646 ha, vùng lõi là Vườn Quốc gia Núi Chúa với hơn 15.752 ha, vùng đệm chiếm hơn 48.762 ha và vùng chuyển tiếp gần 42.132 ha. Đây là Khu DTSQ thế giới duy nhất ở Việt Nam đại diện cho hệ sinh thái rừng khô hạn nhiệt đới với 54 loài thực vật quý hiếm trên tổng số 1.514 loài, 46 loài động vật quý hiếm trên tổng số 345 loài, trong đó có nhiều loài quý như voọc chà vá chân đen, cheo lưng bạc...

Ngoài hệ động thực vật trên cạn phong phú, Khu DTSQ thế giới Núi Chúa ghi nhận 350 loài san hô; trong đó có 307 loài san hô cứng tạo rạn thuộc 59 giống, 15 họ; đặc biệt có 46 loài san hô được ghi nhận là phân loài mới tại Việt Nam. Vườn Quốc gia Núi Chúa còn là nơi có quần thể rùa biển đến sinh sản đông đúc, gồm 3 loài: đồi mồi, rùa xanh, đồi mồi dứa.

Trao bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa - Ninh Thuận - Ảnh 3.

Du khách chinh phục Núi Chúa. Ảnh: Thành Trung

Hệ sinh thái vùng triều của Khu DTSQ thế giới Núi Chúa còn có hệ sinh vật và giá trị đa dạng sinh học tiêu biểu riêng. Vùng biển được bảo tồn tại đây có vai trò quan trọng trong việc kết nối các khu bảo tồn biển có tính đa dạng sinh học cao như đầm Nha Phu, vịnh Nha Trang, đầm Thủy Triều ở phía Bắc với hòn Cau - Vĩnh Hảo ở phía Nam; do đó càng có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững ở cấp độ vùng.

Khu vực vùng đệm Vườn Quốc gia Núi Chúa hiện có 9 thôn của đồng bào dân tộc Raglai định cư, với 2.438 hộ. Việc phát triển các mô hình sinh kế bền vững gắn với quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong Khu DTSQ thế giới Núi Chúa được chính quyền địa phương xác định đóng vai trò then chốt.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :