Phong tỏa Thượng Hải: Từ hoảng loạn mua sắm đến bán khóa học sinh tồn
Tích trữ thực phẩm đã trở thành một chủ đề nóng trên mạng xã hội Trung Quốc sau khi xuất hiện thông tin người dân Thượng Hải chật vật tìm kiếm thực phẩm trong tình trạng bị phong toả.
Trong tuần qua, các hãng truyền thông và blogger Trung Quốc đăng tải hàng loạt bài hướng dẫn giúp người dân xoay sở trong tình trạng phong toả. Một trang web y tế nổi tiếng có tên Doctor Clove đã công bố danh sách những vật dụng mà người dân cần nếu họ đột ngột bị cách ly và lời khuyên về việc lưu trữ thực phẩm trong thời gian dài.
Hôm 10-4, một chủ đề thịnh hành trên mạng xã hội Weibo "Tôi nên chuẩn bị những gì trong trường hợp bất ngờ nhận được thông báo cách ly?" đã thu hút hơn 41 triệu lượt xem với 14.000 bình luận.
Nhiều túi rau chờ được giao trước siêu thị ở TP Quảng Châu. Ảnh: SCMP
Một bài đăng phổ biến khác được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc khuyến cáo các hộ gia đình tích trữ nhu yếu phẩm như gạo, dầu ăn, nước uống, sản phẩm vệ sinh phụ nữ và giấy vệ sinh.
Lo xa hơn, một blogger thậm chí đã thành lập một nhóm sinh tồn, bán các khóa học về cách sống sót trong thảm họa với giá 299 nhân dân tệ (khoảng 47 USD). Sự quan tâm của người dân ngày càng tăng khi xuất hiện thông tin về tình trạng thiếu lương thực tại Thượng Hải, nơi hầu hết 25 triệu cư dân ở trong nhà từ một tuần trở lên.
Nhân viên cửa hàng trực tuyến đóng gói rau ở TP Thượng Hải. Ảnh: Tân Hoa xã
Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), người dân cho biết các kênh đặt hàng trực tuyến hầu hết đều hết hàng và việc phân phối thực phẩm ở khu vực lân cận bị gián đoạn.
Bà Helena Zhang tại Bắc Kinh đã mua gần 20 kg cà chua, khoai tây, đậu lăng và xoài trong tuần qua nhưng lo vẫn không đủ và đang có kế hoạch mua thêm gạo, bột mì và các nhu yếu phẩm khác.
Bà Zhang cho biết một số bạn bè của bà thấy không cần thiết phải tích trữ thực phẩm và tin rằng chính phủ có thể đảm bảo nguồn cung thực phẩm tại siêu thị nhưng cảnh tượng ở Thượng Hải khiến bà nghi ngờ về điều đó.
Kệ hàng trống tại một siêu thị ở Thượng Hải. Ảnh: AP
Đợt mua hàng số lượng lớn gần đây nhất của bà Zhang do ảnh hưởng từ tình hình hỗn loạn ở Thượng Hải và một phần từ kinh nghiệm bản thân khi trải qua những giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19.
Ở miền Nam Trung Quốc cũng xuất hiện thông tin về tình trạng người dân mua hàng ồ ạt. Một phụ nữ tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông cho biết khi cô đến một siêu thị vào sáng 10-4 thì nhiều mặt hàng đã hết và cô nhận thấy nhiều đồ ăn được đặt trực tuyến.
Trong khi đó, theo Reuters, các nhà chức trách ở trung tâm tài chính Thượng Hải cho biết sẽ bắt đầu dỡ bỏ phong toả ở một số khu vực từ ngày 11-4 bất chấp ghi nhận hơn 25.000 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ qua.
Các nhà chức trách Thượng Hải cho biết sẽ bắt đầu dỡ bỏ phong toả ở một số khu vực từ ngày 11-4. Ảnh: Reuters
Quan chức Thượng Hải Gu Honghui cho biết thành phố đã phân loại các đơn vị dân cư thành 3 cấp bậc rủi ro. Điều này cho phép cư dân ở khu vực không có ca dương tính trong khoảng 2 tuần có thể tham gia một số hoạt động tại địa phương.
Theo ông Gu, Thượng Hải sẽ điều chỉnh "năng động" với hệ thống mới và cam kết nỗ lực hơn nữa để giảm thiểu tác động của các biện pháp phòng dịch đối với người dân ở thành phố đông dân nhất Trung Quốc.