Thanh Hóa "quyết" nằm trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu về chuyển đổi số
Mục tiêu tỉnh Thanh Hoá đặt ra đến năm 2025 là đứng trong nhóm 10 tỉnh, TP dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, có 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước…
Sáng ngày 25-4, Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai các nội dung thực hiện chuyển đổi số năm 2022. Có 27 điểm cầu tại UBND cấp huyện; 559 điểm cầu tại UBND cấp xã, 206 điểm cầu tại các thôn, bản, khu phố tham gia hội nghị bằng hình thức trực tuyến.
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở TT-TT, Phó Ban chỉ đạo chuyển đổi sổ tỉnh Thanh Hóa, phát biểu khai mạc hội nghị
Khai mạc hội nghị, ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở TT-TT, Phó Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa, cho biết trong những năm qua, được sự quan tâm của Bộ TT-TT, các bộ ngành Trung ương, tỉnh Thanh Hóa và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từng bước đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Trong quý I năm 2022, toàn tỉnh Thanh Hóa đã tiếp nhận 77.797 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3 đạt 98,54%; tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 4 đạt 95,76%. Nền tảng chia sẽ tích hợp dữ liệu (LGSP) của tỉnh Thanh Hóa là một trong 8 bộ, ngành, địa phương đầu tiên kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia; đã tích hợp 1443 đơn vị của tỉnh (cấp tỉnh, huyện, xã và các đơn vị sự nghiệp), phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã và kết nối, chia sẻ các dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.
Chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực đã mang lại hiệu quả tích cực trong quản lý, điều hành và phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, như trong lĩnh vực y tế, bảo hiểm xã hội, tài chính ngân hành, thuế, hải quan… Đã đưa 406 sản phẩm của các huyện lên Cổng kết nối cung cầu tỉnh Thanh Hóa, đưa 28 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử "voso.vn", 38 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử "postmart.vn, cung cấp trên 40.000 tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc trưng của các huyện…
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại tất cả 27 huyện, thị xã, TP và 559 xã, 206 điểm thôn, xóm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
"Có thể nói, chuyển đổi số đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, công khai, minh bạch của cơ quan nhà nước; sản xuất, kinh doanh hiệu quả; nâng cao chất lượng cuộc sống, mang lại các trải nghiệm thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời chuyển đổi số còn mang lại sự công bằng, bình đẳng trong hưởng thụ dịch vụ công nghệ số của các vùng, miền, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn vẫn được hưởng dịch vụ như ở các đô thị lớn"- ông Quyết thông tin.
Tại hội nghị, lãnh đạo Cục Tin học hóa, các chuyên gia… đã được nghe giới thiệu tổng quan về chuyển đổi số; nền tảng chuyển đổi số phục vụ người dân; mô hình và nội dung chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã. Hội nghị đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận, phân tích, đánh giá về công cuộc chuyển đổi số hiện nay…
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết chuyển đổi số tại Thanh Hóa bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động ổn định, hiệu quả; các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp; văn bản điện tử đã thay thế hoàn toàn văn bản giấy trong các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định); tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ngày càng cao…
Ông Nguyễn Phú Tiến, Phó cục trưởng Cục Tin hóa học - Bộ TT-TT, giới thiệu về chuyển đổi số và định hướng nhiệm vụ năm 2022
Tuy nhiên, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn là một khái niệm mới, nhiều cán bộ lãnh đạo, đảng viên, công chức, viên chức chưa hiểu sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của công tác chuyển đổi số; công tác chuyển đổi số tại các đơn vị, ngành, lĩnh vực, địa phương chưa được quan tâm đúng mực; chưa quyết liệt chỉ đạo, điều hành; chưa tích cực, chủ động, còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện…
Ông Liêm cho biết thông qua hội nghị này, tỉnh Thanh Hóa mong muốn được lắng nghe các ý kiến của lãnh đạo Cục Tin học hóa - Bộ TT-TT, chuyên gia, trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp tốt nhất thực hiện chuyển đổi số ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Các đại biểu dự hội nghị
"Mục tiêu của Thanh Hóa đặt ra đến năm 2025 sẽ thuộc nhóm 10 tỉnh, TP đứng đầu cả nước về chuyển đổi số, hồ sơ thủ tục hành chính đủ điều kiện giải quyết trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và trên các phương tiện truy cập (bao gồm cả thiết bị di động) đạt 100%, có 90% người dân, doanh nghiệp trở lên hài lòng với giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước; 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực điện tử thông suốt, hợp nhất… Vì thế, đây là hội nghị rất quan trọng, giúp địa phương sớm cụ thể mục tiêu này"- ông Liêm cho hay.