Quốc hội Thụy Sĩ họp khẩn liên quan vụ giải cứu Credit Suisse
Hôm nay, Quốc hội Thụy Sĩ mở phiên họp bất thường về vấn đề liên quan khoản bảo lãnh lên tới 109 tỷ CHF trong thương vụ mua lại Credit Suisse của UBS.
Gần một tháng sau khi UBS Group AG tiếp quản khẩn cấp Credit Suisse Group AG do Nhà nước quản lý, Chính phủ Thụy Sĩ vấp phải nhiều ý kiến phản đối của người dân, nên phải có sự giải trình thoả đáng trước Quốc hội. Đây là phiên họp bất thường lần thứ 3 trong hơn 20 năm qua của Quốc hội Thụy Sĩ.
Chương trình kỳ họp bao gồm các phiên vào thứ Ba, thứ Tư và thứ Năm tuần này. Khác với các phiên họp thông thường, hai viện sẽ không tranh luận cùng lúc mà luân phiên nhau.
Trọng tâm của phiên họp bất thường này là giải trình của Chính phủ Liên bang đối với các cam kết trị bảo lãnh giá 109 tỷ CHF đã ký kết trong vụ việc UBS tiếp quản Credit Suisse.
Tại phiên họp, nhiều nghị sĩ đã chỉ trích vụ việc Credit Suisse bị UBS mua lại chỉ với giá 3 tỷ CHF, tương đương 3,3 tỷ USD, trong khi Chính phủ liên bang lại phải bỏ ra 100 tỷ CHF để bảo lãnh rủi ro cho thương vụ thâu tóm này.
Bà Celine Widmer - thành viên của Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ thuộc Đảng Dân chủ Xã hội cánh tả, cho biết, Chính phủ liên bang phải có câu trả lời rõ ràng về quyết định áp dụng luật khẩn cấp cho vụ giải cứu này, bao gồm cả một gói bão lãnh lớn như vậy.
Việc giải cứu Credit Suisse không chỉ khiến các chính trị gia mà rất nhiều người dân Thụy Sĩ cảm thấy tức giận. Một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu chính trị GFS.BERN cho thấy, phần lớn người Thụy Sĩ không ủng hộ thỏa thuận này.
Việc UBS tiếp quản Credit Suisse, được hỗ trợ bởi Hội đồng Liên bang và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB), thực sự đã gây ra một loạt câu hỏi về việc giám sát các ngân hàng lớn.
Một cuộc thăm dò ý kiến của các nhà kinh tế Thụy Sĩ cho thấy, gần một nửa người dân nước này cho rằng việc UBS mua lại Credit Suisse không phải là giải pháp tốt nhất, đồng thời cảnh báo câu chuyện này đã làm giảm uy tín của quốc gia họ. Bởi UBS đang vớ bẫm trong thương vụ này, có được Credit Suisse mà không tốn kém gì mà còn được Chính phủ bảo lãnh cho rủi ro thua lỗ.
Viện Nghiên cứu kinh tế của Thụy Sĩ (KOF) đưa ra số liệu rằng, 48% trong số 167 nhà kinh tế đại học muốn Nhà nước tiếp quản Credit Suisse và sau đó có thể bán đi. Đồng thời, Chính phủ phải tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về nguyên nhân chính xác khiến Credit Suisse khủng hoảng.
Trước những lo lắng ngày càng tăng về việc sa thải nhân viên, trong một bức thư ngỏ gửi tới Quốc hội, Hiệp hội Nhân viên Ngân hàng Thụy Sĩ cho biết, Credit Suisse và UBS phải dừng kế hoạch cắt giảm nhân viên.
Tuần trước, Thụy Sĩ đã thông báo cắt giảm các khoản tiền thưởng cho ban lãnh đạo cấp cao của Credit Suisse.