Indonesia đánh giá lời kêu gọi loại Nga khỏi G20
Với tư cách là chủ tịch hiện nay của Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20), Indonesia đang đánh giá các lời kêu gọi từ Mỹ và các đồng minh châu Âu nhằm loại Nga khỏi G20 vì cuộc xung đột ở Ukraine.
'"Chúng tôi đang xem xét vấn đề. Thật vật, nó đòi hỏi chúng tôi phải xem xét rất cẩn thật với tư cách là chủ tịch của G20 về cách phản ứng. Chúng tôi sẽ truyền đạt quan điểm của chúng tôi cho công chúng khi đến thời điểm" - The Straits Times dẫn lời tiến sĩ Dedy Permadi, cố vấn đặc biệt cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Indonesia.
Phát biểu được đưa ra tại một cuộc họp báo trực tuyến ngày 7-4, khi phóng viên hỏi ông Permadi về tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Jane Yellen rằng sẽ Mỹ không tham gia một số cuộc họp G20 nếu có đại diện Nga tham gia.
Indonesia, quốc gia giữ chức chủ tịch của G-20 trong năm nay, cho biết họ sẽ tiết lộ lập trường của mình khi đến thời điểm - Ảnh: REUTERS
Trước đó 1 ngày, tiến sĩ Yellen nói với Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ: "Tổng thống Joe Biden đã nói rõ và tôi chắc chắn đồng ý với ông ấy rằng hoạt động của Nga không thể diễn ra như bình thường đối với bất kỳ tổ chức tài chính nào. Ông ấy yêu cầu Nga bị loại khỏi G20".
Các cuộc họp mà Bộ trưởng Yellen đề cập là cuộc họp của các bộ trưởng bộ tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G-20 vào ngày 20-4 bên lề cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và cuộc họp mùa xuân của Ngân hàng Thế giới tại Washington, cũng như các cuộc họp của các đại biểu liên quan.
Cũng trong ngày 7-4, Nga đã bị loại khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc theo quyết định từ Đại hội đồng. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield đã gọi đó l "một thời điểm lịch sử và quan trọng".
Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Phó Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc của Nga Gennady Kuzmin mô tả động thái này là "một bước đi bất hợp pháp và có động cơ chính trị", đồng thời cho biết Nga đã quyết định rời bỏ Hội đồng Nhân quyền hoàn toàn, theo The Guardian.
Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết Nga đã quyết định kết thúc sớm tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2021-2023. Tuy nhiên, Moscow sẽ tiếp tục đóng góp vào việc bảo vệ các quyền con người.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trong cuộc phỏng vấn kênh truyền hình Anh Sky News nói rằng Nga lấy làm tiếc về quyết định trên nhưng "sẽ tiếp tục bảo vệ các lợi ích của nước này bằng mọi biện pháp pháp lý có thể".
EU thông qua vòng trừng phạt thứ năm
Liên minh châu Âu (EU) hôm 7-4 đã thông qua vòng trừng phát thứ năm chống lại Nga. Theo đài CNN, các biện pháp mới bao gồm cấm nhập khẩu than của Nga, cấm xuất khẩu vũ khí sang Nga.
Vòng trừng phạt cũng bao gồm việc đóng cửa các cảng của EU đối với tàu Nga và lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang Moscow.
Văn bản pháp lý bao gồm tên của "các nhà tài phiệt, các thành viên của bộ máy an ninh và quân sự, các thực thể trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ..." sẽ được chính thức công bố vào ngày 8-4.