A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ: Bộ Nội vụ có nhiều sáng tạo, đổi mới, không đùn đẩy, né tránh

Sáng 16/9, làm việc với Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Bộ Nội vụ có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng, đa ngành, đa lĩnh vực, phụ trách những vấn đề về con người, bộ máy, có những lĩnh vực công việc rất khó và nhạy cảm, như vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo. Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Nội vụ đã khẳng định là một tập thể đoàn kết, tâm huyết, chuyên nghiệp, có chuyên môn sâu. Các tham mưu của Bộ bám sát chủ trương, nghị quyết, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và sát thực tiễn.

* Sáng tạo, đổi mới, chấp nhận khó khăn, không đùn đẩy, né tránh

Quá trình triển khai nhiệm vụ, Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, đồng thời có nhiều sáng tạo, đổi mới, chấp nhận khó khăn, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là đối với những vấn đề khó.

Các nhiệm vụ được giao Bộ đều hoàn thành tốt, nhất là trên lĩnh vực thể chế với một khối lượng công việc rất lớn. Các thủ tục hành chính được cắt giảm nhiều. Bộ Nội vụ cũng đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, làm cơ sở cho công tác chuyển đổi số…

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý Bộ Nội vụ khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, nhất là trong công tác hoàn thiện thể chế, các lĩnh vực thi đua khen thưởng, cải cách hành chính, đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá cán bộ, để các mặt công tác có chất lượng cao hơn và thực chất hơn.

“Chúng ta đã lựa chọn đột phá chiến lược là thể chế thì phải làm sao cho tư duy về xây dựng thể chế phải thay đổi, chúng ta phấn đấu xây dựng Chính phủ liêm chính và kiến tạo nhưng tư duy về xây dựng luật cái gì không quản được chúng ta cấm, có thể cấm thì không bị lợi dụng nhưng không kiến tạo được, thì cũng cần phải thay đổi”, nhấn mạnh điều này, Phó Thủ tướng cho biết, kết luận trong các cuộc họp về xây dựng thể chế, Thủ tướng đều nói rất nhiều nguyên tắc, đó là sát thực tế, tháo gỡ được các khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, khơi thông được các nguồn lực, không tạo cơ chế xin – cho. Đó là nguyên lý để xây dựng thể chế.

“Cố gắng đừng tạo ra cơ chế vòng vo, con gà - quả trứng, muốn có tiền phải có đề án, muốn có đề án thì phải có tiền, không biết cái nào trước, cái nào sau, rất khó thực hiện”, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình nêu rõ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh, Bộ Nội vụ xác định xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới thì phải quán triệt tinh thần Thủ tướng chỉ đạo. Khẳng định “sẽ làm hết sức” những vấn đề liên quan mà Bộ Nội vụ trình, Phó Thủ tướng Thường trực chia sẻ, từ khi làm Phó Thủ tướng, ông ký văn bản cho ý kiến liên quan đến lĩnh vực của Bộ Nội vụ đầu tiên và là nhiều nhất. “Không có văn bản gì để trên bàn tôi quá 2 ngày, ban ngày họp thì ban đêm đọc của các đồng chí”. Phó Thủ tướng nhắc Bộ Nội vụ trình sớm 14 hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Phó Thủ tướng hoan nghênh Bộ Nội vụ vừa qua đã quyết liệt, sáng tạo trong giải quyết vấn đề địa giới hành chính giữa Huế và Đà Nẵng mà 50 năm qua chưa phân định được; cho rằng, “Bộ có phương pháp làm đúng, lập luận đúng, thuyết phục, tôi làm liền, không có đùn đẩy”; đồng thời khẳng định các tờ trình liên quan đến sắp xếp lại chính quyền đô thị cấp huyện, xã, Bộ trình Phó Thủ tướng sẽ làm ngay.

Liên quan đến tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ, Phó Thủ tướng cho rằng đây là việc khó. Bộ căn cứ vào các nghị quyết của Đảng sắp xếp bộ máy cho tinh gọn, tổng kết thực tiễn thi hành và tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế để bố trí lại bộ máy cho phù hợp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cũng nhắc đến vấn đề chuyển đổi số, phải chú trọng xây dựng nguồn nhân lực cho chuyển đổi số và tính toán kỹ. Cho biết luôn ủng hộ tinh thần đổi mới sáng tạo, không đùn đẩy, né tránh, thấy đúng là làm, Phó Thủ tướng mong muốn Bộ Nội vụ tham mưu quyết liệt, chính xác, luôn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao.

* Bộ Nội vụ phải đi trước, đón đầu

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ, với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đòi hỏi Bộ Nội vụ phải cố gắng nỗ lực nghiên cứu từ thực tiễn, triết lý khoa học cho đến những vấn đề liên quan đến quản trị quốc gia. Bộ Nội vụ phải đi trước, phải tư duy, phải đón đầu để tham mưu trong việc xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; phải quán triệt, nhận thức sâu sắc chủ trương của Đảng đối với việc phát triển đất nước. Vì vậy, tất cả Nghị quyết của Đảng, Bộ tổ chức quán triệt và cụ thể hóa nhưng phải bám sát thực tiễn cuộc sống.

Bộ Nội vụ cũng xác định muốn làm được thì trước hết phải đoàn kết, thống nhất với yêu cầu kế thừa, đổi mới phát triển. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Nội vụ đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, hết sức nặng nề. “Có những việc chúng tôi nghĩ khó có thể vượt qua... Cho nên lựa chọn con đường đi như thế nào để vừa đảm bảo chủ trương, vừa phù hợp với thực tiễn để đồng hành cũng không phải là chuyện dễ”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà bày tỏ.

Bà cũng cho biết may mắn khi Bộ Nội vụ có một tập thể đoàn kết, trách nhiệm, tâm huyết, có năng lực, kinh nghiệm. Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới như xây dựng và hoàn thiện thể chế, quyết tâm đi đầu trong cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong, thay đổi cục diện căn bản cho tổ chức bộ máy, đổi mới toàn diện trong tổ chức chính quyền địa phương. 

* Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương

Thứ trưởng Nội vụ Trương Hải Long cho biết, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, nhiệm vụ chính trị quan trọng được Bộ Nội vụ ưu tiên, tập trung nguồn lực thực hiện. Đến nay các quy định pháp luật thuộc ngành nội vụ đã cơ bản đồng bộ, thống nhất, liên thông với các quy định của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đổi mới của nền hành chính nhà nước và sự phát triển của đất nước. Từ năm 2021 đến nay, đã trình cấp có thẩm quyền thông qua 3 luật, 4 nghị quyết của Quốc hội, 37 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trình Chính phủ ban hành 32 nghị định, 21 nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 50 quyết định; Bộ trưởng ban hành 48 thông tư.

Bộ Nội vụ đã chủ động, tích cực tham mưu Chính phủ triển khai cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình hợp lý, từng bước, thận trọng, chắc chắn, khả thi và hiệu quả. Bộ tập trung tham mưu hiệu quả việc sắp xếp đơn vị hành chính và tham mưu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025. Bộ đã tiếp nhận hồ sơ Đề án sắp xếp của 49/54 địa phương có sắp xếp đơn vị hành chính, đã tổ chức thẩm định Đề án của 45 địa phương và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ của 16 địa phương; trình Chính phủ hồ sơ của 5 địa phương.
Trong lĩnh vực tổ chức bộ máy và biên chế, Bộ Nội vụ tập trung tham mưu xây dựng cơ cấu Chính phủ khóa XV để trình Quốc hội thông qua theo hướng tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khắc phục chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ...

Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) Vũ Hải Nam cho biết, trong sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, khó khăn nhất là thực hiện giảm 10% đầu mối đơn vị sự nghiệp. Hiện số lượng đơn vị sự nghiệp tập trung ở địa phương, dồn vào lĩnh vực giáo dục là chủ yếu. Trong quá trình theo dõi, thực thi, Bộ Nội vụ đã tham mưu, báo cáo Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Chính trị. Bộ Chính trị yêu cầu phải tập trung theo đúng chỉ tiêu. Bộ Nội vụ đã xác định giải pháp then chốt, vừa thu gọn đầu mối nhưng vẫn bảo đảm nâng cao mức độ tự chủ. Mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp là giải pháp để thực hiện cơ cấu lại số người làm việc. Khi đẩy mạnh mức độ tự chủ thì sẽ có điều kiện giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách.

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành đều có nhận định Bộ Nội vụ đã phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho hay, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ ngay từ giai đoạn đầu đến giai đoạn ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Nhiệm kỳ này, bên cạnh công tác xây dựng thể chế, thể chế hóa đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, Bộ Nội vụ có tinh thần đổi mới và sáng tạo, luôn quán triệt và thực hiện trong quá trình tham mưu đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép thí điểm mô hình tổ chức mới phù hợp với chủ trương của Đảng, Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống./.

Chu Thanh Vân


Tác giả: Chu Thị Thanh Vân
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :