A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày mai, Nga phóng tàu đặc biệt giải cứu 3 phi hành gia NASA-Roscosmos

NASA vừa thông báo về sứ mệnh chưa từng có tiền lệ của Nga - một tàu Soyuz không người lái - sẽ được Roscosmos phóng vào ngày 23-2 (giờ Mỹ) nhằm giải cứu 3 phi hành gia đang "mắc kẹt" trên Trạm vũ trụ Quốc tế ISS.

Theo NASA, chỉ vài ngày trước Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) tuyên bố họ sẽ trì hoãn sự kiện cho đến tháng 3. Nhưng mới đây quyết định mới đã được đưa ra và thông báo trên trang Telegram chính thức của Roscosmos.

NASA cho biết sẽ bắt đầu đưa tin trực tiếp trên kênh Youtube của mình từ 24 phút trước vụ phóng - vốn được dự kiến vào lúc 7 giờ 24 phút tối 23-2 theo giờ miền Đông nước Mỹ. Thời gian này tương ứng với 3 giờ 34 phút sáng 24-2 theo giờ địa phương ở Nga và 7 giờ 24 phút sáng 24-2 theo giờ Việt Nam.

Ngoài ra, mọi người có thể theo dõi vụ phóng trên website của tờ Space (space.com).

Ngày mai, Nga phóng tàu đặc biệt giải cứu 3 phi hành gia NASA-Roscosmos - Ảnh 1.

Tàu vũ trụ Soyuz MS-22 của Nga nhìn từ ISS - Ảnh: NASA

Gọi là sứ mệnh chưa từng có tiền lệ bởi tàu vũ trụ Soyuz của Nga thường được điều khiển bởi 1 phi hành gia chính và có thể chở thêm 2 người. Theo tờ Space, tàu vũ trụ trong vụ phóng mới sẽ có tên Soyuz MS-23.

Soyuz MS-23 mang sứ mệnh chính là giải cứu 3 phi hành gia từ NASA (ông Frank Rubio) và Roscosmos (ông Sergey Prokopyev và ông Dimitry Petelin), những người đang làm việc tại ISS và đã mất phương tiện để quay về Trái Đất.

Ba phi hành gia này đã bay lên ISS bằng tàu Soyuz MS-22 của Nga, là con tàu vũ trụ bị rò rỉ chất làm mát trong sự cố tháng 12-2022 và khiến các phi hành gia phải hủy chuyến đi bộ ngoài không gian.

Vụ rò rỉ được NASA và Roscosmos đồng kết luận là do một mảnh đá không gian nhỏ va phải. Sau thời gian đánh giá Roscosmos đã quyết định Soyuz MS-22 không đủ an toàn để đưa các phi hành gia này về Trái Đất, vì vậy tàu này được đưa về trong tình trạng không người lái và một tàu Soyuz không người lái khác sẽ thay thế.

Theo Roscosmos, tàu Soyuz MS-23 sẽ chỉ mất 2 ngày để "cập bến" ISS.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :