Tổng thống Putin: Xung đột ở Ukraine sẽ kéo dài
Trong thông điệp liên bang kéo dài gần hai giờ, Tổng thống Vladimir Putin cam kết Nga sẽ "đáp trả mọi thách thức"
Trong thông điệp liên bang hôm 21-2 ở thủ đô Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra những đánh giá về tình hình ở Nga và chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tổng thống Putin tuyên bố cuộc xung đột kéo dài một năm qua ở Ukraine sẽ tiếp diễn và cáo buộc liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu đã "thổi bùng" xung đột.
Đây là thông điệp liên bang đầu tiên của Tổng thống Putin kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ tháng 2-2022. Theo ông Putin, Nga đã cố giải quyết cuộc xung đột ở vùng Donbas kéo dài từ đầu năm 2014 bằng các biện pháp hòa bình nhưng cuối cùng buộc phải hành động.
Ông Putin cho rằng Ukraine đã khơi mào chiến tranh và Nga sử dụng vũ lực để ngăn chặn điều đó. Trong bài phát biểu, ông Putin cho hay đã cảnh báo phương Tây về việc cung cấp viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine khi nói rằng điều đó sẽ dẫn đến phản ứng quân sự từ Moscow.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước Quốc hội ở Moscow - Nga hôm 21-2. Ảnh: REUTERS
Nga cũng đình chỉ việc tham gia Hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START với Mỹ. Ông Putin nói thêm rằng Nga cần sẵn sàng thử nghiệm vũ khí hạt nhân nếu Mỹ có hành động tương tự.
Về tình hình trong nước, ông Putin nhấn mạnh Nga có tất cả các nguồn tài chính cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia và sự phát triển của đất nước bất chấp các biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Tổng thống Nga cho biết các công ty trong nước cũng đã xây dựng lại chuỗi cung ứng nhằm đáp trả lệnh trừng phạt. Ông Putin nói thêm rằng Moscow đang làm việc với các quốc gia khác để xây dựng các hệ thống thanh toán và tổ chức tài chính mới.
Phản ứng sau bài phát biểu của ông Putin, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho rằng việc Nga đang chịu sự đe dọa quân sự nào đó từ Ukraine hoặc bên khác là điều vô lý.
Một ngày trước khi Tổng thống Putin đọc thông điệp liên bang, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến thăm bất ngờ tới Kiev để thể hiện tình đoàn kết, đồng thời cam kết viện trợ quân sự trị giá gần 500 triệu USD cho Ukraine. Tổng thống Biden cũng tuyên bố Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung lên Nga, dự kiến được công bố trong tuần này.
Trong khi Tổng thống Biden có chuyến đi đến Ukraine thì nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị cũng đến thủ đô Moscow hôm 21-2. Một năm sau khi tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác "không giới hạn" với Nga, Trung Quốc đang tìm cách thuyết phục thế giới rằng họ là một bên trung lập có thể giúp chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Mục đích chính trong chuyến thăm Nga của ông Vương Nghị là tăng cường vai trò của Bắc Kinh trong việc giải quyết xung đột ở Ukraine. Theo Bloomberg, trong khi Trung Quốc chưa công bố chi tiết về kế hoạch hòa bình nhưng ông Vương cho biết đề xuất này sẽ bao gồm lời kêu gọi tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ các cơ sở hạt nhân và phản đối việc sử dụng vũ khí hủy diệt.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết chuyến thăm Nga của ông Vương Nghị sẽ là cơ hội để thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Theo Reuters, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương hôm 21-2 cũng cho hay nước này quan ngại sâu sắc rằng cuộc chiến ở Ukraine có thể vượt ngoài tầm kiểm soát và liên tục leo thang. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi các bên đàm phán hòa bình và kêu gọi một số quốc gia "ngừng đổ dầu vào lửa".
Mỹ nhóm họp tại Ba Lan
Sau khi có chuyến thăm bất ngờ đến thủ đô Kiev - Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thủ đô Warsaw - Ba Lan hôm 21-2 để tiếp tục chuyến công du mang sứ mệnh củng cố đoàn kết của phương Tây trong bối cảnh cả Ukraine và Nga chuẩn bị cho chiến dịch mùa xuân.
Theo hãng tin Reuters, trong cuộc gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, ông Biden đã thảo luận sự hỗ trợ chung cho Ukraine và gửi lời cảm ơn Warsaw vì đã giúp Mỹ và các quốc gia khác cung cấp viện trợ quân sự và nhân đạo. Cố vấn chính sách đối ngoại của ông Duda cho biết hai nhà lãnh đạo cũng bàn về an ninh của Ba Lan và nhân rộng các nguồn lực của NATO.
Trong ngày 22-2, Tổng thống Biden dự kiến gặp các nhà lãnh đạo của nhóm Bucharest Nine (B9), nhóm các thành viên sườn phía Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhằm tái khẳng định sự ủng hộ về an ninh.