A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Minh bạch trong từ thiện: Bài học từ 12.000 trang sao kê của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

12.000 trang sao kê từ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cho người dân được trực tiếp kiểm chứng thông tin và đánh giá tính xác thực các thông tin số tiền từ thiện.

Cách đây vài ngày, mạng xã hội cả nước "dậy sóng" khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai 12.000 trang tài liệu sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Từ các trang tài liệu này, việc "check VAR" (tức kiểm chứng thông tin) đã được người dùng mạng đẩy lên trở thành một trào lưu, đem đến một tinh thần tích cực cho cả xã hội.

Minh bạch trong từ thiện: Bài học từ 12.000 trang sao kê của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Bằng việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc khắc phục hậu quả thiên tai, giúp đỡ đồng bào vùng khó khăn ổn định cuộc sống. - Ảnh: Congthuong.vn

Hàng nghìn trang sao kê đã tạo điều kiện cho người dân trực tiếp kiểm chứng thông tin và đánh giá tính xác thực các thông tin của người thân, bạn bè, người nổi tiếng, thủ quỹ, tổ chức, người đứng đầu, các tổ chức đoàn thể, từng công bố ủng hộ trước đó.

Từ việc "soi" sao kê này, cộng đồng mạng đã phát hiện ra nhiều trường hợp "làm màu", "phông bạt" khi công khai số tiền quyên góp “khủng” lên đến 8-9 chữ số nhưng thực tế lại chỉ là vài chục nghìn đồng.

Không chỉ có mặt trái, việc công khai sao kê cũng cho thấy những câu chuyện đầy cảm động về tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng. Nhiều sao kê ghi nhận những đóng góp nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa của những trường hợp như em học sinh ủng hộ 15.000 đồng tiền ăn sáng, người lao động thu nhập thấp ủng hộ một thùng mì tôm,... Dù số tiền không lớn nhưng tấm lòng của họ đã chạm đến trái tim của tất cả người Việt Nam yêu nước.

12.000 trang tài liệu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cho thấy một thực tế, người Việt dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn luôn hướng về nhau, sẵn sàng chia sẻ khó khăn và giúp đỡ lẫn nhau, đúng với tinh thần quý báu “Lá lành đùm lá rách” từ ngàn đời qua của dân tộc.

Có thể nói rằng, với vai trò là cầu nối, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò trung tâm trong công tác cứu trợ. Bằng việc huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, Ủy ban đã góp phần quan trọng vào việc khắc phục hậu quả thiên tai, giúp đỡ đồng bào vùng khó khăn ổn định cuộc sống.

Sự minh bạch và hiệu quả trong công tác cứu trợ đã khẳng định vị thế và uy tín của Mặt trận Tổ quốc trong lòng nhân dân suốt những năm qua. Việc này là một thực tế không thể phủ nhận.

Tuy vậy, vừa qua vẫn còn một số ý kiến người dân mong muốn cơ quan này công khai tiếp các khoản chi tiền cho đồng bào bão lũ từ các khoản tiền nhận được. Họ cho rằng nếu như các khoản chi cũng được công bố thì sẽ đem đến niềm tin tuyệt đối cho tổ chức trong lòng công chúng.

Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề này, đại diện cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, ngay cả các khoản tiền chi cho đồng bào gặp khó khăn do bão lũ cũng được cơ quan này tổng hợp chi tiết và đăng công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

Số tiền thậm chí được tính cụ thể đến từng giờ. Theo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tính đến 17h ngày 16/9, Ban Vận động cứu trợ Trung ương đã tiếp nhận tổng số tiền là 1.236 tỷ đồng từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước.

Từ số tiền tiếp nhận được và căn cứ vào tình hình thiệt hại của các địa phương, Ban Vận động Cứu trợ Trung ương đã phân bổ hỗ trợ được 2 đợt đến các địa phương với tổng số tiền là 1.035 tỷ đồng. Trong đợt 2 gần nhất Ban Vận động Cứu trợ Trung ương đã phân bổ tổng số tiền là 650 tỷ đồng. 26 tỉnh, thành phố với các số tiền cụ thể đã được cơ quan này công khai, cụ thể, chi tiết.

Sự kiện công khai sao kê cả khoản nhận và chi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thôi thúc thêm tinh thần trong hoạt động từ thiện tại Việt Nam. Việc minh bạch hóa các hoạt động đã không chỉ tạo niềm tin cho người dân mà còn đặt ra một chuẩn mực cho các tổ chức từ thiện trên cả nước.

Không chỉ cần có tấm lòng, các tổ chức từ thiện khác trên cả nước cũng cần học hỏi kinh nghiệm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xây dựng hệ thống quản lý minh bạch, công khai thông tin và báo cáo hoạt động thường xuyên. Cùng với đó, cộng đồng cũng cần tăng cường hoạt động giám sát và đóng góp ý kiến như vừa qua để các hoạt động từ thiện ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn.

Với sự nỗ lực chung của cả xã hội, phong trào “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” chắn chắn sẽ ngày càng lớn mạnh, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, giàu lòng nhân ái. Trong tương lai, việc công khai 12.000 trang tài liệu hay thậm chí 120.000 trang tài liệu sao kê sẽ là điều hiển nhiên ở mỗi một tổ chức đứng ra vận động từ thiện.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
  • :
  • :