A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội dừng 91 dự án BT của nhiều ‘ông lớn’ bất động sản

Hà Nội có 91 dự án dự kiến thực hiện theo hình thức BT phải rà soát, dừng công tác chuẩn bị đầu tư.

Liên quan đến các dự án đổi đất lấy hạ tầng (BT), UBND TP Hà Nội thông tin, theo quy định của Luật Đầu tư 2020, dừng triển khai dự án mới, dừng thực hiện dự án chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

UBND TP đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thông báo cho các nhà đầu tư đề xuất dự án, nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện dự án BT về việc dừng công tác chuẩn bị đầu tư; đồng thời báo cáo UBND TP.

Thành phố đã giao các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu cho UBND thành phố có phương án sử dụng đối với từng quỹ đất cụ thể vào việc tạo nguồn thu ngân sách (đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư…) để đầu tư các công trình hạ tầng giao thông (trong đó có công trình dự kiến thực hiện theo hình thức BT).

“Đây là nguồn lực quan trọng về đất đai trong tương lai để sử dụng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô”, UBND TP Hà Nội đánh giá.

Kết quả rà soát cho thấy, trên địa bàn thành phố có tổng số 91 dự án BT phải tiến hành rà soát, dừng công tác chuẩn bị đầu tư. 

Dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng

Trong đó, có 39 dự án BT đã xác định được quỹ đất dự kiến đối ứng, khoảng 5.794ha, gồm 3ha (1 dự án) đã giải phóng mặt bằng; 12,47ha (2 dự án) là trụ sở làm việc thuộc địa phương quản lý; 5.778,53ha (36 dự án) chưa giải phóng mặt bằng.

52 dự án BT chưa xác định rõ ranh giới, quy mô quỹ đất đối ứng/quỹ đất đối ứng chưa phù hợp/chồng lấn ranh giới dự án.

Trong số 39 dự án BT đã xác định được quỹ đất dự kiến đối ứng, có nhiều dự án của các “ông lớn” bất động sản như: Dự án Vành đai 3,5 - xây dựng nút giao giữa Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long do Công ty CP Him Lam đề xuất. Quỹ đất dự kiến thanh toán là 320ha, nằm ngoài đê tả sông Hồng (từ cầu Chương Dương đến cầu Thanh Trì) trên địa bàn các phường Long Biên, Cự Khối, Bồ Đề, Thạch Bàn (quận Long Biên) và xã Đông Dư (huyện Gia Lâm).

Dự án đường trục phát triển kinh tế Miếu Môn – Hương Sơn do Liên danh Công ty CP Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco) và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng (ICID) đề xuất. Quỹ đất dự kiến thanh toán là hơn 310ha, tại khu du lịch Quan Sơn (Mỹ Đức).

Dự án Vành đai 2,5  – Đoạn từ khu đô thị mới Dịch Vọng – Dương Đình Nghệ do Công ty CP Xuất nhập khẩu Hà Nội (Geleximco) đề xuất. Quỹ đất dự kiến đối ứng là 111,8ha tại khu đất thuộc phân khu N7 và phân khu N9, huyện Đông Anh.

Dự án Trục Tây Thăng Long qua địa bàn huyện Đan Phượng do Công ty TNHH Đầu tư Louis Land đề xuất với đất dự kiến đối ứng là hơn 156ha tại khu đất vị trí S1, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng.

Dự án xây dựng đường Tố Hữu kéo dài, dự kiến bố trí hơn 725ha trả cho nhà đầu tư tại khu đô thị mới Tây Nam An Khánh, khu đô thị nhà vườn sinh thái nông nghiệp Yên Nghĩa, khu đô thị nhà vườn sinh thái nông nghiệp Chương Mỹ - Quốc Oai…

Một số công trình trọng điểm cũng nằm trong danh sách này. Có thể kể đến như đường Vành đai 3,5, đoạn từ Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ do Liên danh Công ty CP Eurowindow Holding, Công ty CP Đầu tư Xây dựng và phát triển Đông Dương, Công ty CP Đầu tư thương mại và Bất động sản Thế Vinh đề xuất. Quỹ đất đối ứng dự kiến 176ha thuộc một phần ô quy hoạch C1 của phân khu S5 xã Đại Áng (huyện Thanh Trì);

Dự án Vành đai 4, đoạn từ cao tốc Hà Nội – Lào Cai đến quốc lộ 32, đoạn từ quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ do Công ty CP Tập đoàn T&T đề xuất, dự kiến đối ứng hơn 1.000ha tại các khu đất trên địa bàn huyện Thanh Trì, Hoài Đức, Thường Tín, Đan Phượng, Đông Anh, quận Bắc Từ Liêm.

Một công trình trọng điểm khác là dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng do Công ty CP Him Lam đề xuất, quỹ đất dự kiến đối ứng cho nhà đầu tư là 120ha.

Dự án cầu Giang Biên và đường nối hai đầu cầu do Công ty CP Phát triển đô thị Việt Hưng đề xuất, dự kiến đối ứng hơn 62ha tại huyện Gia Lâm.

Dự án xây dựng tuyến đường trên cao nối từ Vành đai 2 đến Vành đai 3, dự kiến bố trí đối ứng 590ha đất tại các xã Phú Mãn, Thanh Hoà (huyện Quốc Oai) và các xã Tiến Xuân, Yên Bình (Thạch Thất)…

Đường trục kinh tế Bắc Nam tỉnh Hà Tây (cũ) do Công ty CP Tập đoàn Nam Cường đề xuất, dự kiến bố trí đối ứng hơn 940ha đất tại khu đô thị mới thị trấn sinh thái Phúc Thọ và thị trấn sinh thái Quốc Oai.

Dự án Đường trục trung tâm huyện Đông Anh do Liên danh Công ty CP Tập đoàn dược phẩm Vimedimex và Công ty CP Bất động sản Đông Anh đề xuất, quỹ đất dự kiến thanh toán hơn 209ha đất tại huyện Đông Anh…

Trong số 52 dự án BT chưa xác định rõ ranh giới, quy mô quỹ đất đối ứng/quỹ đất đối ứng chưa phù hợp/chồng/lấn ranh giới dự án, có nhiều đoạn dự án của Vành đai 2,5; Vành đai 3; Vành đai 3,5; Vành đai 5.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều công trình trọng điểm như: Cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên do Công ty CP Tập đoàn Mặt trời – Sun Group đề xuất; dự án cầu Thượng Cát; cầu Đuống 2…

Dự án cầu Hồng Hà và đường dẫn 2 đầu cầu thuộc đường Vành đai 4 do Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn đề xuất; Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai thị trấn Quốc Oai do Công ty CP Tasco đề xuất…

Để tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2023 - 2025, định hướng giai đoạn 2026 - 2030, UBND TP Hà Nội cho biết, có 5 quỹ đất dự kiến khai thác gồm: Quỹ đất 20, 25% tại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị; Quỹ đất dự kiến đối ứng cho các dự án BT nay không đủ điều kiện triển khai theo quy định của Luật Đầu tư; Quỹ đất di dời cơ sở không phù hợp quy hoạch; Quỹ đất do Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội đang quản lý và quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất.

Các quỹ đất còn lại, việc quản lý thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan. 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :