A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyến thăm quan trọng của Tổng thống Biden

Sau khi dự lễ kỷ niệm 80 năm ngày D-Day tại Pháp (sự kiện quân Đồng minh đổ bộ vào bờ biển Normandy ngày 6-6-1944), Tổng thống Mỹ Joe Biden bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Paris với sự đón tiếp long trọng của Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron hôm 8-6.

Xung đột giữa Nga và Ukraine, giao tranh giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza, hợp tác ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương… là những nội dung hội đàm chính giữa hai nhà lãnh đạo - theo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan. Ngoài ra còn có các vấn đề như chính sách liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo, chuỗi cung ứng…

Đều là những nước bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Ukraine, hai ông Biden và Macron đồng thời quan tâm củng cố sức mạnh của NATO. Dù vậy, Washington và Paris còn bất đồng về kế hoạch sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Kiev cũng như ý định triển khai binh lính NATO đến Ukraine mà Tổng thống Macron đang theo đuổi. Tổng thống Biden đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Paris hôm 7-6 và ngỏ lời xin lỗi vì để viện trợ cho Ukraine bị chậm trễ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Paris ngày 8-6 Ảnh: REUTERS

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Paris ngày 8-6 Ảnh: REUTERS

Bên cạnh nội dung về các cuộc xung đột, theo người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby, hai nước Mỹ - Pháp đã lên kế hoạch hợp tác trong thực thi pháp luật trên biển, trên cơ sở đó Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ và Hải quân Pháp sẽ thảo luận sâu hơn.

Thương mại hai bờ Đại Tây Dương cũng được chú ý không kém. Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ, được Tổng thống Biden ký ban hành vào tháng 8-2022, đã chọc giận châu Âu. Các nhà lãnh đạo châu lục này xem đây là động thái bảo hộ đã hút mất vốn đầu tư ra khỏi các công ty của Liên minh châu Âu (EU). Theo Reuters, trong chuyến thăm Washington năm 2022, Tổng thống Macron phát biểu gói trợ cấp theo luật trên làm suy yếu nỗ lực hồi phục kinh tế hậu đại dịch COVID-19 của châu Âu, đặc biệt là trong lúc chính Washington cũng tìm kiếm đồng minh để chống trả Trung Quốc về mặt thương mại. Dù vậy, từ đó đến nay Mỹ hầu như nhượng bộ rất ít và các quan chức Pháp xem chuyến thăm lần này của Tổng thống Biden là cơ hội để "tái đồng bộ hóa" các chương trình kinh tế của Mỹ và EU.

Về mặt cá nhân, hai vị tổng thống của Pháp và Mỹ có mối quan hệ nồng ấm bất chấp những căng thẳng trong quá khứ liên quan đến một thỏa thuận tàu ngầm với Úc. "Pháp là đồng minh lâu năm nhất và là một trong những đồng minh thân thiết nhất của chúng tôi. Đây là khoảnh khắc quan trọng để khẳng định quan hệ liên minh và nhìn về phía trước" - ông Sullivan nói về chuyến thăm của Tổng thống Biden.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :