Chủ tịch nước chủ trì hội nghị quan trọng tại Bình Dương
Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" đã tổ chức 3 hội thảo quốc gia, tiếp thu hơn 600 ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học...
Sáng 20-6, tại tỉnh Bình Dương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" chủ trì Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam vào dự thảo đề án.
Tham dự hội nghị có ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Khắc Định, ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phan Đình Trạc phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phan Đình Trạc nhấn mạnh trong quá trình xây dựng đề án, Ban Chỉ đạo đã huy động sự tham gia từ các cấp ủy, các tổ chức đảng, các viện nghiên cứu, trường đại học, chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm lý luận và thực tiễn về lĩnh vực này.
Bên cạnh chỉ đạo, nghiên cứu, xây dựng 27 chuyên đề về lý luận và thực tiễn, Ban Chỉ đạo còn tổ chức 3 hội thảo quốc gia, 6 hội thảo, tọa đàm khoa học chuyên đề; tổng hợp, tiếp thu hơn 600 ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học... Từ kết quả nghiên cứu này, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện dự thảo đề án để xin ý kiến các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, phát biểu
Để hoàn thiện đề án chiến lược này, tại hội nghị, đại diện các tỉnh thành phố khu vực phía Nam đã trao đổi thẳng thắn nhiều vấn đề trọng tâm như đánh giá ưu điểm, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam nêu trong Đề án và dự thảo Nghị quyết.
Cụ thể, cần có sự phân công, phân cấp, phân quyền hợp lý và cơ chế kiểm soát quyền lực kèm theo để tăng tính chủ động của địa phương; đảm bảo trách nhiệm 2 chiều giữa nhà nước và nhân dân; quan tâm đến hoàn thiện thể chế mô hình chính quyền đô thị, không có cơ quan HĐND cấp phường, cấp quận; đổi mới, nâng cáo hiệu lực, hiệu quả cơ quan, tổ chức bộ máy thực thi cơ chế liên kết vùng...