A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bến Tre: Khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bến Tre khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo số 81/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre.

Năm 2022, tỉnh Bến Tre đạt và vượt 15/25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội; GRDP tăng 7,33%; xuất khẩu đạt 1,51 tỷ USD, tăng 19,69%; thu ngân sách nhà nước đạt trên 5.635 tỷ đồng, tăng 6,43% so với kế hoạch; thu hút được 63 dự án FDI và 267 dự án đầu tư trong nước. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 56,25% so với năm 2021.

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm; công tác xóa đói giảm nghèo, phòng chống dịch COVID-19 và tiêm vaccine được triển khai quyết liệt, hiệu quả; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đạt trên 96,6%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,2%.

Cùng với đó, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Bến Tre: Khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030

Bến Tre: Khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030

Tuy nhiên, quy mô kinh tế của tỉnh còn tương đối nhỏ; cơ cấu lại ngành nông nghiệp chưa có chuyển biến mạnh; công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch chưa tạo đột phá; hạ tầng thiếu đồng bộ, nhất là giao thông.

Việc triển khai một số công trình trọng điểm còn vướng mắc, chậm tiến độ; công nghiệp và đô thị hóa còn chậm; thu hút được các dự án quy mô lớn tạo đột phá cho phát triển chưa nhiều; cải cách thủ tục hành chính, chỉ số cải thiện môi trường đầu tư xếp thứ hạng thấp; đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn.

Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bến Tre cần vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh. Giữ vững bản lĩnh, kiên định, kiên trì những vấn đề nguyên tắc nhưng chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình thực tiễn. Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao, đồng thời khắc phục bằng được các tồn tại, hạn chế, yếu kém.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bến Tre khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, coi công tác xây dựng quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, có giải pháp đột phá; vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa khắc phục hạn chế, yếu kém, hóa giải khó khăn thách thức.

Trong đó, tập trung ưu tiên vào 3 đột phá chiến lược như: hạ tầng (phải lựa chọn kết nối giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải), chất lượng nguồn nhân lực và cải cách hành chính. Phát triển mạnh kinh tế biển trên cơ sở phải quy hoạch. Tăng cường hợp tác, liên kết vùng, trọng tâm là Tiểu vùng Duyên hải phía Đông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và Tiền Giang) để mở rộng, tối ưu hóa nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nâng cao khả năng cạnh tranh.

Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Bến Tre.

Cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu và theo chuỗi giá trị đối với những sản phẩm có thế mạnh của Tỉnh, đặc biệt là cây dừa, thủy sản. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm Tỉnh có thế mạnh như cây dừa, trái cây, tôm…; phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút các dự án lớn, có lợi thế, tạo tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Đáng chú ý, Bến Tre cần khai thác tối đa lợi thế của địa phương nhất là dịch vụ du lịch và các ngành có thế mạnh của Tỉnh, phải hết sức chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trong đó, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, chú trọng đặc trưng miền sông nước, xứ dừa, gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử; đẩy mạnh thu hút nguồn lực phát triển hạ tầng, hình thành tuyến cụm du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường kết nối du lịch với địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và Nam bộ.

Tập trung rà soát thể chế, thực hiện tốt công tác xây dựng cơ chế, chính sách mở đường cho phát triển. Đa dạng hóa nguồn lực và phương thức đầu tư cho phát triển hạ tầng chiến lược; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào các công trình trọng điểm, có sức lan tỏa lớn, nhất là các công trình giao thông liên vùng. Phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại, làm động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, lịch sử, giá trị tốt đẹp của người Bến Tre. Bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người có công, đối tượng yếu thế; thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :