Áp thuế phòng vệ thương mại với đường mía từ 5 nước Đông Nam Á
Các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar bị Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai áp biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại khi qua cửa khẩu thuộc địa bàn Cục này quản lý.
Theo đó, Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai hướng dẫn các doanh nghiệp, cá nhân nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với các mặt hàng đường mía thuộc mã HS 1701.13.00, 1701.14.00, 1701.91.00, 1701.99.10, 1701.99.90 và 1702.90.91 quy định tại thông báo kèm Quyết định 1514 của Bộ Công thương trên cơ sở mức thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp được quy định tại Quyết định 1578 ngày 15.6.2021 của Bộ Công thương.
Đường của các công ty nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á bị áp thuế phòng vệ thương mại lên đến 47,65%. BCT |
Thời hạn áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại kể từ ngày 8.8.2022 đến ngày 15.6.2026, trừ trường hợp thay đổi, gia hạn theo quyết định của Bộ Công thương được quy định tại mục 5 Thông báo ban hành kèm Quyết định 1514.
Đáng lưu ý, Công văn của Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai không áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng mía đường có các mã HS nói trên được được sản xuất bởi 1 trong các công ty: PT. Kebun Tebu Mas (Indonesia), Mitr Lao Sugar Company Limited, Savannakhet Sugar, Corpotation, TTC Attapeu Sugar Cane Sole Co., Ltd (Lào), Than Daung OO Company Limited và Ngwe Yi Pale Sugar Company Limited (Myanmar).
Để được xem xét không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng đường mía, Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai lưu ý, khi khai hải quan, doanh nghiệp cần nộp kèm giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất (bản gốc) của công ty sản xuất để chứng minh hàng hóa là của nhà sản xuất đó.
Trước đó, ngày 1.8.2022, Bộ Công thương ban hành Quyết định 1514 áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ các quốc gia Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar. Trong đó, mức thuế chống bán phá giá với sản phẩm mía đường đến từ các thị trường này là 42,99%, thuế chống trợ cấp 4,65%. Tổng 2 loại thuế được đánh là 47,64%.
Kế đó, ngày 8.8.2022, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 3216 nêu rõ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía có các mã HS nói trên được nhập khẩu vào Việt Nam từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar.