Trung bình mỗi tháng hệ thống ngân hàng xử lý được khoảng 6.300 tỷ đồng nợ xấu
Tính đến cuối tháng 2/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng lên tới 2,91%, tổng nợ xấu gộp ước chiếm 5% tổng dư nợ, gần tương đương với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế phải đối mặt khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 bắt đầu có hiệu lực. Trung bình mỗi tháng hệ thống ngân hàng xử lý được khoảng 6.300 tỷ đồng nợ xấu, cao hơn nhiều so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ năm 2012 - 2017 trước khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực.
Nợ xấu gia tăng trở lại
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lũy kế từ tháng 8/2017 đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 416.000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng xác định đạt 211.900 tỷ đồng (chiếm 50,9% tổng nợ xấu đã xử lý).
Trung bình mỗi tháng hệ thống ngân hàng xử lý được khoảng 6.300 tỷ đồng nợ xấu, cao hơn nhiều so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ năm 2012 - 2017 trước khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực (khoảng 3.500 tỷ đồng/tháng).
Ngoài ra, xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 122.100 tỷ đồng (chiếm 29,3% tổng nợ xấu đã xử lý). Xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82.100 tỷ đồng (chiếm 19,7%).
Hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC cũng đạt kết quả tích cực. Lũy kế từ khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực đến cuối tháng 12/2022, VAMC đã xử lý ước đạt 276.500 tỷ đồng dư nợ gốc, gấp 4,9 lần so với tổng dư nợ gốc xử lý giai đoạn 2013 - 2016.
Mặc dù, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng trước những diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và những khó khăn của nền kinh tế trong nước, khả năng thanh toán của nhiều doanh nghiệp suy giảm, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021. Tổng nợ xấu gộp (nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng) đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5% tổng dư nợ - gần tương đương với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế phải đối diện khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 bắt đầu có hiệu lực.
Quá trình xử lý nợ xấu gặp khó
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), những tháng đầu năm 2023, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế toàn cầu. Trước bối cảnh đó, các ngân hàng cũng đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình hoạt động.
Chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu của ngân hàng thương mại gặp nhiều thách thức do hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng vay tiếp tục gặp khó khăn, giảm nguồn thu và khả năng trả nợ, nguy cơ phát sinh nợ xấu.
Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng. Khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thấp hoặc chưa phục hồi.
Thực tế, trong hệ thống, nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh năm 2022 và quý I/2023 cho thấy nợ xấu gia tăng mạnh so với trước, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 2%, một số ngân hàng nợ xấu tăng đột biến 4%. Chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại có sự phân hóa mạnh.
Trong khi đó, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc. Khách hàng có nợ xấu thiếu hợp tác, cá biệt có khách hàng cố tình không trả nợ không chịu bàn giao tài sản bảo đảm để xử lý.
Một số khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là các dự án đang dở dang có giá trị lớn, chưa hoàn thiện pháp lý, khó xử lý. Việc mua bán nợ xấu của TCTD cho các tổ chức, cá nhân chưa phát sinh nhiều do bên mua nợ còn e ngại thủ tục xử lý nợ trên thực tế gặp nhiều khó khăn.
"Ngoài ra, hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất. Việc nhận gán nợ tài sản đảm bảo là bất động sản, xử lý tài sản bảo đảm là chứng khoán trong giao dịch cầm cố với ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn", ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.