Ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính – ngân sách 6 tháng đầu năm
Đây là phát biểu của Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm 6 tháng cuối năm 2024, sáng 15/7/2024.
Thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch đề ra
Biểu dương những thành tích toàn ngành Tài chính đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định đây là kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện rõ sự nỗ lực, quyết liệt của toàn thể cán bộ, công chức ngành Tài chính trong triển khai nhiệm vụ được giao, cũng như sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Theo Bộ trưởng, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Tài chính đã có đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế chung của Đất nước, thu NSNN vượt kế hoạch đề ra. Ước tính đến ngày 7/7/2024, tổng thu NSNN đạt 1.057,5 nghìn tỷ đồng, bằng 62,17% dự toán, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có được là nhờ chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã đi vào cuộc sống, đồng thời tương xứng với tăng trưởng kinh tế khả quan trong 6 tháng đầu năm của nước ta: GDP tăng 6,42%, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với bình quân cùng kỳ năm 2023; lạm phát cơ bản tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023.
Thời gian qua, điều kiện kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, trên cơ sở theo dõi sát tình hình thực tiễn cũng như dự báo thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục kiên định triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó theo các chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ phê chuẩn. Theo đó, chính sách giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất lên đến 184 nghìn tỷ đồng trong điều kiện kinh tế và tài chính công còn khó khăn.
“Hết năm nay, chúng ta cần tính toán điều chỉnh chính sách tài khoá cho một chu kỳ mới sau 4 năm đã thực hiện theo hướng mở rộng, giảm thuế, phí cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đến gần 200 nghìn tỷ đồng/năm. Chính sách tài khoá theo xu thế chung cần thắt chặt hơn để đảm bảo an toàn nền tài chính công, tập trung đầu tư an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực thiết yếu của Nhà nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Về lâu dài, Bộ trưởng nhấn mạnh cần có các giải pháp căn cơ hơn hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, doanh nghiệp phát triển, từ đó có nguồn thu cho NSNN.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng còn lưu ý một số nội dung cần tập trung xử lý, tháo gỡ nhằm khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế Đất nước như: Tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nội địa; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở
Nhằm phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2024, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ đạo toàn Ngành tập trung triển khai 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2024.
Một là, nỗ lực hoàn thành công tác xây dựng pháp luật. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong chương trình xây dựng pháp luật, thường xuyên rà soát các luật, nghị định, thông tư, các vấn đề còn vướng mắc, bất hợp lý để sửa đổi quy định cho phù hợp, đóng góp cho sự phát triển và tăng trưởng bền vững.
"Các đơn vị trong Ngành tập trung hướng về cơ sở, sâu sát với cơ sở trong tháo gỡ vướng mắc, qua đó đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định pháp luật cho phù hợp thực tiễn", Bộ trưởng yêu cầu. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách hợp lý để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng đề nghị toàn Ngành vào cuộc, quyết liệt thực hiện công tác thu NSNN, tăng cường quản lý thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế. Tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại, bảo vệ nền sản xuất trong nước; kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đầu tư công.
Đặc biệt, cần tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hoá công tác thu thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử, tăng cường quản lý thu các giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài... “Ngành Tài chính phải xác định việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ quan trọng trong triển khai các công việc của Ngành. Cần chủ động, sáng tạo, cải tiến các hệ thống công nghệ thông tin để tránh lạc hậu”, Người đứng đầu ngành Tài chính yêu cầu.
Ba là, chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2025, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2025-2027.
Bốn là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế kiểm tra, đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nhằm đảm bảo thị trường tài chính phát triển minh bạch, hiệu quả, thu hút các nguồn lực cho phát triển.
Năm là, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống gian lận xuất xứ hàng hóa có hiệu quả. Làm tốt nhiệm vụ cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, kịp thời tham mưu các giải pháp phù hợp, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Với những kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2024, Bộ trưởng tin tưởng ngành Tài chính sẽ đoàn kết, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về tài chính- NSNN đề ra trong năm 2024.