A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng rục rịch giảm lãi suất cho vay, khơi thông vốn bất động sản

Một loạt các ngân hàng đã và đang lên kế hoạch tập trung nguồn vốn, giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và khách hàng cá nhân.

Ngân hàng rục rịch giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực bất động sản. (Ảnh: Vietnam+)

Bất động sản được xem là lĩnh vực đầu kéo trong nền kinh tế khi đóng góp khoảng 8% GDP và có khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành kinh tế quan trọng khác như xây dựng, công nghệ chế biến chế tạo, du lịch, lưu trí-ăn uống và tài chính-ngân hàng...

Tuy nhiên trong thời gian gian qua, thị trường bất động sản đã bị "đóng băng" bởi lãi suất tăng mạnh đồng thời không thu hút được các nguồn vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp.

Để khơi thông thị trường này, các ngân hàng đã lên kế hoạch tập trung nguồn vốn và giảm lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đồng thời cũng giúp khơi thông hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Khơi thông dòng vốn

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” cuối tuần qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết Ngân hàng Nhà nước đã họp với các ngân hàng thương mại Nhà nước dành một gói tín dụng cho lĩnh vực xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Thống đốc cho hay sẽ thông báo cho các ngân hàng khác để cùng tham gia. Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng này thiếu hụt về thanh khoản thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tái cấp vốn cho các ngân hàng.

Về phía các ngân hàng, Agribank đã có những động thái đầu tiên về việc giảm lãi suất cho vay trong lĩnh vực bất động sản nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn.

Theo đó, những khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm 31/1/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 hoặc do ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô sẽ được ngân hàng này xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất.

Cụ thể khoản vay kinh doanh bất động sản có thể được điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ. Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến 31/12/2023 và thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh kéo dài từ 31/1/2023 đến hết ngày 31/12/2024.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết trong năm 2023 Vietcombank tiếp tục có định hướng tăng trưởng đối với lĩnh vực tín dụng bất động sản và phân theo từng lĩnh vực cụ thể để có chính sách cơ chế riêng đối với từng lĩnh vực.

Cụ thể, theo ông, đối với lĩnh vực bất động sản cho khu công nghiệp, khu chế xuất đây là lĩnh vực rất quan trọng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Lĩnh vực này cũng góp phần thu hút doanh nghiệp FDI vào phát triển kinh tế, do vậy đây là lĩnh vực ưu tiên và phát triển tín dụng với chính sách ưu đãi trong năm 2023 của Vietcombank.

Đối với lĩnh vực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng với sự phục hồi của du lịch trong nước cũng như thu hút dần du lịch nước ngoài vào Việt Nam, dự báo trong năm 2023 sẽ có tăng trưởng tín dụng tuy nhiên Vietcombank cũng sẽ có chọn lọc vào các nhà đầu tư bất động sản uy tín đảm bảo hiệu quả trong cấp tín dụng.

Đặc biệt, Vietcombank sẽ tăng tín dụng hỗ trợ với chính sách hợp lý cho số đông khách hàng cá nhân vay mua nhà để ở. Đối với phân khúc bất động sản có giá trị lớn và cao cấp thì sẽ thận trọng hơn.

Ví tín dụng là "nguồn sữa" chính cho các doanh nghiệp bất động sản, một số doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị hạ lãi suất sớm nhất để hỗ trợ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp bất động sản xin có "cơ chế" như tái cơ cấu khoản nợ, giữ nguyên nhóm nợ tương tự cơ chế chính sách mà Ngân hàng Nhà nước đã triển khai thông qua việc ban hành Thông tư 01 sau này là Thông tư 03 và Thông tư 14.

Tuy nhiên, đối với những đề xuất này theo lãnh đạo Vietcombank là không cần thiết. Ông Tùng cho rằng đây là các chính sách đặc thù hỗ trợ cần thiết trước những điều kiện bất khả kháng là đại dịch trên quy mô toàn thế giới. Còn trong điều kiện kinh doanh thông thường thì nên áp dụng điều kiện thông thường để triển khai.

“Việc cơ cấu nợ nên triển khai một cách rất thận trọng, chính xác đảm bảo không chuyển nợ xấu về sau. Nếu dồn nợ xấu về sau tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế cũng như chính ngân hàng,” ông Tùng khuyến nghị.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Tổng giám đốc phụ trách ban điều hành VietinBank cũng cho rằng việc cơ cấu nợ cho riêng doanh nghiệp bất động sản không phù hợp vì đây là vấn đề thị trường. Nếu có cơ chế đặc thù cho sản bất động sản thì các hiệp hội ngành nghề khác cũng đòi cơ cấu nợ. Như vậy sẽ không đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa các ngành nghề.

Các chuyên gia cũng cho rằng rất khó đưa ra cơ chế ưu ái riêng cho doanh nghiệp bất động sản. Bởi nếu vậy các ngành nghề khác cũng đòi cơ chế tương tự, trong khi bất động sản không phải là lĩnh vực ưu tiên.

Dồn lực "gỡ vướng" để phát triển bền vững

Thực tế suốt vài tháng qua, Chính phủ và các bộ ngành đều rất tập trung để tháo gỡ các khó khăn của thị trường bất động sản. Mới đây Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng đã họp với các doanh nghiệp bất động sản để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ đối với lĩnh vực bất động sản, vướng mắc về mặt pháp lý là lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án. Khi chưa có đủ cơ sở pháp lý, chưa xác định được giá đất thì bản thân các dự án chưa chứng minh được tính khả thi, khả năng trả nợ của doanh nghiệp khi trình lên các tổ chức tín dụng, nên bản thân tổ chức tín dụng khó có thể cho vay. Do đó, nếu vướng mắc về mặt pháp lý được tháo gỡ, sẽ giúp khơi thông dòng vốn tín dụng của ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục dành nguồn vốn cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thực đồng thời tích cực tiết giảm chi phí hoạt động để cho vay với lãi suất thấp hơn.

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là để hướng tới phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững thì phải hướng tới phục vụ đa số người dân, đặc biệt là người có nhu cầu thực về nhà ở, hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá, trục lợi.

Cũng theo Thống đốc, đối với đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy việc có riêng một gói tín dụng cho lĩnh vực này là cần thiết, để tăng cung nhà ở xã hội, giúp giảm mất cân đối với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nguồn vốn từ đâu là vấn đề cần phải cân nhắc.

Về cơ cấu thời hạn trả nợ, Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị Bộ Xây dựng cần rà soát, xem dự án nào mang tính đầu cơ, dự án gắn với sản xuất kinh doanh, với thương mại và dịch vụ sẽ có ứng xử, tháo gỡ riêng. Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục làm việc doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này.

Cũng theo Thống đốc, để thực hiện các giải pháp tín dụng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bất động sản, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu nỗ lực tối đa giảm chi phí hoạt động để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho người mua nhà và các dự án đã hoàn thiện pháp lý, có khả năng trả nợ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

"Các ngân hàng tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án khả khi, dự án có khả năng sớm đi vào sử dụng, khả năng tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao," Thống đốc nhấn mạnh./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :