A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giảm lãi suất không phải là liều thuốc vạn năng 

Đây là đánh giá của TS. Võ Trí Thành đối với các giải pháp được nêu ra tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp”.

Tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng chậm, đến cuối tháng 6/2023, tín dụng mới chỉ tăng 4.73% so với cuối năm 2022, chỉ bằng một nửa mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước. Đó là điều bất thường trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm khá mạnh và dự kiến sẽ tiếp tục giảm sâu hơn sau khi NHNN đã có 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành bởi theo lý thuyết khi lãi suất giảm sẽ kích thích nhu cầu tín dụng tăng.

Bên cạnh giảm lãi suất, NHNN cũng đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp như ban hành Thông tư 02 cho phép tổ chức tín dụng cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng. Hay như ngày 10/07 vừa qua NHNN đã tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14% nhằm tạo dư địa cho các tổ chức tín dụng tăng cung tín dụng cho nền kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân chủ yếu khiến tín dụng tăng chậm là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế điển hình là doanh nghiệp đang rất yếu, vì lẽ đó việc tìm ra các giải pháp đúng và trúng để tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Mục tiêu của các nhiệm vụ luôn ngược chiều nhau

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, với vai trò điều hành chính sách tiền tệ, chưa bao giờ NHNN điều hành chính sách tiền tệ khó như hiện nay, khó như thời điểm cuối năm 2022, mức độ gay gắt đã hơn nhiều. Bởi lẽ, điều hành chính sách tiền tệ trong nền kinh tế mở cửa không thể tránh những tác động từ chính sách tài chính, tiền tệ nói chung và từ các quốc gia khác. Đặc biệt, sức chống chịu của doanh nghiệp đã bị bào mòn sau 2 năm đại dịch.

Đối với NHNN, rất nhiều năm qua mới điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh đó. Tăng lãi suất hay giảm lãi suất; cung tiền ra nhiều hay ít; làm thế nào để tăng tín dụng, hài hòa giữa chất lượng và doanh số tín dụng, hạn chế nợ xấu, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia… đều là những vấn đề NHNN phải lưu ý và điều hành. Sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng sẽ quyết định sự an toàn, lành mạnh của nền tài chính quốc gia trong cả ngắn hạn, trung và dài hạn. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng và khó của NHNN bởi vì mục tiêu của các nhiệm vụ luôn ngược chiều nhau.

Theo Phó Thống đốc NHNN, nếu như hạ điều kiện cấp tín dụng thì tín dụng sẽ tăng ồ ạt đồng thời cũng sẽ để lại sự mất an toàn hệ thống tổ chức tín dụng ngay trong ngắn hạn; câu chuyện nợ xấu và sự suy giảm tài chính của ngân hàng sẽ ngay lập tức bị ảnh hưởng; chưa kể đến lãi suất và cung tiền, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát...

Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm lúc này vẫn là vấn đề tín dụng. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN cũng nhận thức được trách nhiệm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn lúc này. Có thể nói, thanh khoản cho nền kinh tế đến thời điểm này rất dồi dào. Lãi suất - yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến giá đầu vào của doanh nghiệp - được điều hành hài hòa với tỷ giá, nếu không sẽ không tạo được niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi quốc gia”, ông Tú nói.

Bên cạnh những giải pháp về cung tiền, tạo thanh khoản cho nền kinh tế, các tổ chức tín dụng cũng như tạo nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng; hạ lãi suất từ các công cụ vay vốn từ ngân hàng trung ương của các ngân hàng thương mại; các chính sách của Chính phủ chỉ đạo có tính chất hỗ trợ trực tiếp đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực cần hồi phục nhanh, tạo động lực cho nền kinh tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa - động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam… cũng đã được NHNN triển khai quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành.

Bên cạnh đó, các gói tín dụng hỗ trợ ngành bất động sản như gói 120,000 tỷ đồng rồi đến gói 15,000 tỷ đồng mới được công bố và đang được triển khai cho vay lâm nghiệp, thủy sản và một loạt các chương trình khác được các ngân hàng triển khai… Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa đủ để tăng tín dụng.

Hai "cơn gió ngược" cùng bất định, rủi ro từ bên ngoài

TS. Võ Trí Thành

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: “Khó khăn, trắc trở là những từ thể hiện rõ nhất bức tranh kinh tế của Việt Nam. Đã 3.5 năm kể từ khi đại dịch bùng phát. Nhìn lại năm 2020-2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có vẻ không đồng điệu với thế giới do sự khác biệt chủ yếu bởi 2 yếu tố đến từ chính sách chống dịch của mỗi quốc gia và quy mô cũng như cách thực hiện các gói hỗ trợ chưa từng có của các nước trên thế giới.

Năm 2020 Việt Nam là ngôi sao sáng mặc dù tăng trưởng rất thấp. Năm 2021 tăng trưởng của Việt Nam cũng rất thấp trong khi thế giới phục hồi rất mạnh. Sang năm 2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có vẻ tiếp tục không đồng điệu khi thế giới suy giảm còn Việt Nam tăng trưởng khá là tốt với mức 8%, tuy nhiên con số này lại che đậy những khó khăn của Việt Nam bắt đầu từ giữa quý 3/2022. Cho nên nếu nói đúng là từ giữa quý 3/2022 đến nay và có thể đến sang năm 2024 thì tăng trưởng kinh tế Việt Nam mới có thể đồng điệu với tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới.

Theo TS. Võ Trí Thành, hiện nay 2 cơn gió ngược đối với nền kinh tế Việt Nam đến từ suy giảm kinh tế thế giới, đặc biệt là các đối tác thương mại chính của Việt Nam cùng với điều kiện tài chính tiền tệ chưa bao giờ “ngặt nghèo” như vậy (lãi suất, sức ép lên tỷ giá và lạm phát). Tuy nhiên một tín hiệu tích cực cho rằng cơn gió ngược này sẽ dịu đi khi lạm phát đã qua đỉnh (tháng 9/2022) và giảm nhanh hơn rất nhiều so với kỳ vọng giúp chính sách thắt chặt tiền tệ dần dần sẽ nhẹ nhàng hơn.

Kỳ vọng tình hình bên ngoài và nỗ lực bên trong

“Trắc trở” đến cả từ trong lẫn ngoài. Theo đó, vị chuyên gia cho rằng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6.0-6.5% trong năm 2023 là rất thách thức, tùy thuộc nỗ lực bản thân Việt Nam và diễn biến khó lường trên thế giới.

“Nhưng chúng ta cũng kỳ vọng yếu tố bên ngoài – cơn gió ngược sẽ nhẹ hơn cộng với nỗ lực bên trong, hy vọng khó khăn sẽ đỡ hơn 1 chút trong nửa cuối năm nay”, ông Thành bày tỏ.

Theo ông Thành, để làm được điều này thì Việt Nam phải thích ứng vì không thay đổi được yếu tố bên ngoài nhưng bên trong sẽ thực hiện rất nhiều chính sách từ kích cầu tiêu dùng, thu hút du lịch, kích cầu đầu tư đặc biệt là đầu tư công, thu hút FDI…

Nói về giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp sẽ nói đến 3 yếu tố. Đầu tiên tất nhiên là lãi suất. Thứ hai là “nước nổi thì bèo nổi” tức là làm sao để tổng thể nền kinh tế cũng như yếu tố bên ngoài bớt khó nhờ có điều kiện kết nối được với thị trường, có cơ hội kinh doanh thì lúc đó mới có nhu cầu vay vốn. Thứ ba là dù nới nhưng phải có tiêu chuẩn để không buông lỏng.

Vị chuyên gia cũng lưu ý về việc nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp dù Việt Nam vẫn còn điều kiện để hạ lãi suất, thế nhưng giảm lãi suất không phải là liều thuốc vạn năng bởi vì còn liên quan đến an toàn hệ thống tài chính và ngân hàng. Lý do đầu tiên là đòn bẩy tín dụng đối với toàn bộ nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã quá cao với mức 120% (tín dụng/GDP). Kế nữa là nợ xấu có nguy cơ gia tăng. Và cuối cùng là bảng cân đối tài sản liên quan đến sai lệch về cơ cấu thời hạn của các ngân hàng sẽ có thể dẫn đến sự sai lệch về cơ cấu đồng tiền rồi dẫn đến việc găm giữ đô la, chuyển hướng sang đô la.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :