Xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt 2 tỷ USD
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỷ USD.
Thu hoạch cá tra tại vùng nuôi thuộc thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN) |
Ngày 17/11, tại thành phố Cao Lãnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Theo báo cáo của Cục Thủy sản, tổng diện tích thả nuôi cá tra năm 2024 ước đạt 5.370ha, tổng sản lượng cá tra thu hoạch khoảng 1,67 triệu tấn, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2023.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra đến tháng 10/2024 đạt 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỷ USD. Nguyên liệu không dồi dào có thể kéo sang quý 1/2025, mùa cao điểm cuối năm là cơ hội để doanh nghiệp cải thiện giá xuất khẩu.
Thu hoạch cá tra tại vùng nuôi ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp). (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN) |
Cá tra nuôi chủ yếu tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long.
Tính đến hết tháng 10, sản lượng giống cá bột ước đạt 25,95 tỷ con; cá giống ước đạt 3,9 tỷ con. Ước cả năm 2024, sản lượng cá bột thu hoạch đạt 30 tỷ con; cá giống đạt 40 tỷ con góp phần đắc lực phục vụ vùng nuôi.
Cả nước có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra; trong đó có 2 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống bố mẹ, 76 cơ sở sản xuất giống và 1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra bột lên cá giống.
Theo báo cáo của cơ quan quản lý thủy sản địa phương, có tổng số 1.278 cơ sở nuôi cá tra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó, 1.107 cơ sở đã đăng ký và có Giấy xác nhận đăng ký nuôi hoặc mã số nhận diện.
Bà Tô Thị Tường Lan cho biết cơ hội cho ngành cá tra phát triển là kết quả thuế chống bán phá giá tích cực, lượng tồn kho tại các thị trường chính giảm, cá nguyên liệu không bị dư thừa như năm 2023. Cùng đó là những tín hiệu tích cực từ sự hồi phục nền kinh tế Mỹ, cơ hội tăng thị phần tại các thị trường nhỏ lẻ bên cạnh các thị trường truyền thống và dư địa cho sản phẩm cá tra trên thế giới nhiều tiềm năng.
Cục Thủy sản thông tin mục tiêu năm 2025, sản lượng cá tra dự kiến đạt khoảng 1,65 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025 là tiếp tục các chương trình chọn lọc, nâng cao chất lượng giống cá tra, đặc biệt đối với các tính trạng về chịu mặn, kháng bệnh nhằm cung cấp con giống khỏe mạnh, thích nghi với điều kiện khí hậu thay đổi và cải thiện khả năng chống lại bệnh tật; quan tâm nghiên cứu và từng bước thay thế bột cá, dầu cá trong sản xuất thức ăn bằng nhiều loại nguyên liệu thức ăn thay thế có nguồn gốc thực vật, côn trùng, vi tảo, protein vi sinh vật, rong biển có tiềm năng trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc thí điểm áp dụng công nghệ RAS (xử lý nước tuần hoàn trong nuôi trồng thủy sản) trong các trại sản xuất, ương dưỡng giống cá tra góp phần đảm bảo an toàn sinh học và nâng cao tỷ lệ sống.
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Cùng đó, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá tra Việt Nam thông qua việc cải tiến công nghệ, kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ nuôi trồng đến chế biến và đạt các chứng nhận liên quan đến an toàn thực phẩm, khí nhà kính, an toàn môi trường, tôn giáo (Halal), giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều, gia tăng giá trị của ngành hàng cá tra.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị các bộ, ngành, địa phương phát triển giống cá tra theo hướng công nghiệp, với quy mô sản xuất lớn, đảm bảo an toàn sinh học; kiểm soát chặt chẽ trong quản lý, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng; quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống cá tra, đảm bảo chất lượng nguồn giống; sản xuất, chế biến cá tra phải hướng đến sản xuất xanh, giảm phát thải; nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học trong nuôi trồng, sản xuất cá tra.
Cùng với việc hình thành chuỗi khép kín trong sản xuất-chế biến-tiêu thụ, cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng phụ phẩm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm.
Bên cạnh các thị trường truyền thống cần tìm kiếm và phát triển các thị trường mới tiềm năng; trong đó có thị trường hồi giáo đáp ứng được yêu cầu chứng nhận Halal.../.