Trải nghiệm du lịch nông nghiệp ở Đồng Tháp
Phát triển du lịch nông nghiệp được xác định là một trong những giải pháp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Đến nay, tỉnh Đồng Tháp phát triển được 100 điểm tham quan, trải nghiệm du lịch nông nghiệp, trong đó có 6 điểm đạt chất lượng OCOP 3-4 sao.
* Tác động lan tỏa
Bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, phát triển du lịch có tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác, đặc biệt là thương mại, dịch vụ; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn được coi là động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, đồng thời nông thôn mới lại là nền tảng hỗ trợ cho sự phát triển đa dạng, chất lượng, ổn định của điểm đến du lịch.
Tỉnh Đồng Tháp xác định du lịch nông nghiệp là một trong những loại hình ưu tiên trong Đề án phát triển du lịch gắn với tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Du lịch nông nghiệp được đề xuất xây dựng 8 bộ sản phẩm: Tui làm nông dân xứ Sen hồng; Kể chuyện nhà nông; Khám phá Làng hoa Sa Đéc - Hương sắc trăm năm; Tháp Mười - Vương quốc Sen hồng; Cao Lãnh - xứ sở xoài; Lai Vung - thế giới quýt hồng; Hồng Ngự - thủ phủ cá tra; Học kỳ nông nghiệp.
Nền nông nghiệp Đồng Tháp với nhiều sản vật nổi tiếng, đặc biệt là hoa, trái cây, thủy sản; nông dân Đồng Tháp cần cù sáng tạo, hồn hậu và mến khách; bên cạnh đó là các giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng Nam Bộ. Đây đều là những lợi thế để Đồng Tháp phát triển loại hình du lịch nông nghiệp.
Hiện nay, các huyện như Tháp Mười, Cao Lãnh, Lai Vung, thành phố Sa Ðéc… tận dụng tối đa không gian mênh mông sông nước cùng những cánh đồng lúa, đồng sen, những vườn xoài xanh mát, vườn quýt hồng đặc sản trĩu quả phục vụ du lịch nông nghiệp một cách hiệu quả. Các tour du lịch trải nghiệm nông nghiệp huyện Cao Lãnh, “Dỡ chà đãi bạn” thành phố Cao Lãnh, "Hoàng hôn Tràm Chim", trải nghiệm “Chợ chiếu Ma Định Yên”, "Chợ quê Tân Thuận Đông" và "Chợ quê Gò Tháp"… khá hấp dẫn du khách.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết thêm, các mô hình du lịch kết hợp nông nghiệp trên địa bàn hoạt động khá hiệu quả, giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị cho nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân. Du lịch theo hướng bền vững gắn với nông nghiệp và làng nghề tại Đồng Tháp đã góp phần mang lại kết quả cho lĩnh vực du lịch của tỉnh. Trong năm 2024, ngành công nghiệp không khói này của tỉnh ước đạt hơn 4,3 triệu lượt khách, với doanh thu hơn 2.170 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2023.
* Quảng bá hình ảnh địa phương
Du lịch nông nghiệp trong tỉnh hiện trải đều 12 huyện, thành phố. Điển hình là Làng hoa Sa Đéc, thành phố Sa Đéc có 18 điểm tham quan, trải nghiệm du lịch nông nghiệp, trong đó có 6 điển du lịch nông nghiệp được công nhận chất lượng OCOP 3-4 sao.
Điểm du lịch đạt chuẩn OCOP 3 sao của thành phố Sa Đéc có Vườn kiểng Ngọc Lan, mỗi tháng thu hút hơn 1.000 du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ông chủ điểm tham quan Vườn kiểng Ngọc Lan Trần Hữu Tài cho biết, kể từ khi được công nhận OCOP 3 sao, vườn kiểng được nhiều du khách biết đến, tin tưởng lựa chọn. Do vậy, việc quảng bá hình ảnh địa phương cũng hiệu quả hơn. Đến đây, du khách có thể ngắm trọn vẹn vẻ đẹp của thành phố từ trên đài ngắm hoa cao 18 m, cảm nhận hơi thở của làng hoa trăm tuổi; tham gia trồng hoa kiểng trên giàn và giao lưu với người dân địa phương; chụp hình với hàng trăm loại hoa, kiểng khác nhau hoặc mua về làm quà.
Tại huyện Tháp Mười có mô hình nông nghiệp Đồng sen Tháp Mười. Nơi đây có 12 hộ khai thác loại hình du lịch nông nghiệp với các dịch vụ du lịch bơi thuyền ngắm cánh đồng sen, câu cá giải trí, thưởng thức đờn ca tài tử, ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn chế biến từ sen và mua sắm các sản vật làm từ sen.
Du khách đến Đồng sen Tháp Mười sẽ bất ngờ trước thảm sen trải rộng tít tầm mắt với sắc màu xanh mướt của lá, màu hồng dịu ngọt của hoa, màu vàng thanh thoát của nhụy... tạo nên bức tranh đồng quê tuyệt đẹp. Chiếc thuyền ba lá nhỏ lướt chầm chậm trên mặt nước trên cánh đồng sen, đưa du khách hòa mình vào những làn gió mát, thưởng thức mùi hương sen thơm dịu, làm cho những lo lắng, của cuộc sống đời thường tan biến.
Đến với điểm Du lịch anh Hai Lúa, tại Ấp 1, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, du khách sẽ được trải nghiệm các dịch vụ câu cá, bơi thuyền hái sen và thưởng thức nhiều món ăn đặc trưng được chế biến từ sen như: Gà nấu hạt sen, gỏi tép bạc ngó sen, cá lóc nướng lá sen, cơm nấu hạt sen... Điểm du lịch này được xây dựng trên cánh đồng sen nên cảnh quan rất đẹp và thơ mộng, thoáng mát, hấp dẫn du khách.
Tại huyện Lai Vung, mô hình du lịch nông nghiệp được thực hiện từ vùng trồng quýt hồng phục vụ Tết cho khách đến tham quan, trải nghiệm. Bà Phạm Thị Hoài, Phó trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Lai Vung cho biết, toàn huyện có 19 điểm tham quan vườn quýt trong dịp Tết 2025, tăng 9 điểm so với năm 2024. Các điểm tham quan tổ chức chế biến các món ăn đặc trưng đậm chất miền Tây phục vụ du khách. Khách đến đây không chỉ được thưởng thức các món ăn ngon mà còn trải nghiệm thu hoạch quýt hồng Lai Vung, mua trái cây đặc sản này về làm quà./.
Nguyễn Văn Trí