Xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp được DATC thực hiện thế nào?
Xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp bên nợ của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) được thực hiện thế nào là mối quan tâm của không ít doanh nghiệp hiện nay. Hoạt động này đã được DATC thực hiệncó hiệu quả từ nhiều năm nay và đã được Bộ Tài chính quy định, hướng dẫn cụ thể.
Theo đó, tại Thông tư số 62/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành Quy chế tài chính của DATC đã nêu rõ đối tượng xử lý nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp bên nợ là: Các doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa sau khi xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định mà giá trị thực tế của doanh nghiệp thấp hơn các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp; Các doanh nghiệp khác là bên nợ của DATC gắn với phương án xử lý thu hồi nợ.
Điều kiện tái cơ cấu là Doanh nghiệp được đánh giá có khả năng phục hồi và phát triển sau khi DATC tham gia xử lý nợ, tái cơ cấu; DATC có đủ nguồn chênh lệch giữa giá vốn mua nợ và giá trị sổ sách của khoản nợ để xử lý các tồn tại tài chính và thực hiện các giải pháp phục hồi doanh nghiệp tái cơ cấu; Phương án tái cơ cấu có tính khả thi, có hiệu quả kinh tế và được sự đồng thuận của cơ quan đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp tái cơ cấu.
Cũng theo quy định, việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ phải gắn với phương án tái cơ cấu, cổ phần hóa theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp. Mức giảm trừ nghĩa vụ trả nợ tối đa bằng số âm vốn chủ sở hữu theo Quyết định công bố giá trị doanh nghiệp của cơ quan có thẩm quyền trừ đi phần giảm trừ nghĩa vụ trả nợ của các chủ nợ khác (nếu có) và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ;
Từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành Công ty cổ phần, nếu doanh nghiệp tái cơ cấu có phát sinh lỗ, DATC và các chủ nợ tham gia tái cơ cấu xem xét, thực hiện tiếp việc giảm trừ một phần nghĩa vụ trả nợ nếu còn nguồn chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo doanh nghiệp tái cơ cấu làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để có biện pháp khắc phục, bồi thường theo quy định;
Hội đồng thành viên hoặc Tổng Giám đốc theo phân cấp của Hội đồng thành viên xem xét tiếp tục giảm trừ nghĩa vụ trả nợ để bù đắp lỗ lũy kế nếu còn nguồn chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ để xử lý trên nguyên tắc đảm bảo phương án thu nợ có hiệu quả.
Việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho các doanh nghiệp khác là bên nợ của DATC phải gắn với phương án chuyển nợ thành vốn góp được cấp có thẩm quyền của DATC phê duyệt. Mức giảm trừ tối đa không quá số lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp bên nợ đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập và không vượt quá số chênh lệch giữa giá trị sổ sách khoản nợ mua và giá vốn mua nợ tính đến thời điểm quyết định giảm trừ nghĩa vụ trả nợ.
Việc giảm trừ nghĩa vụ trả nợ cho các khách nợ không làm thay đổi trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đã gây ra tổn thất tài chính trước đây.
Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng quy định cụ thể việc xử lý nợ phải trả. Theo đó, các khoản nợ phải trả mà không có đối tượng để trả thì hạch toán vào thu nhập khác của DATC. Việc phát hành trái phiếu, hối phiếu có bảo lãnh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền, DATC thực hiện theo Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các khoản nợ phát sinh khi thực hiện nhiệm vụ theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, DATC thực hiện phương án xử lý nợ theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, theo dõi riêng để đánh giá, xác định kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý, DATC báo cáo Bộ Tài chính xem xét, giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.