Shopee, Tiki, Lazada sẽ phải nộp thuế hộ người bán
Theo đề xuất mới của Bộ Tài chính, các sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến như Shopee, Tiki, Lazada sẽ phải khai thay và nộp thay thuế cho cá nhân kinh doanh.
Đây là đề xuất được Bộ Tài chính đưa ra trong tờ trình Chính phủ về việc sửa đổi một số điều của Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết tháng 9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử, trong đó đưa ra các hình thức hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm 4 hình thức chính.
Một là, website cho phép người tham gia được mở các gian hàng để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ. Hai là, website cho phép người tham gia được mở tài khoản để thực hiện quá trình giao kết hợp đồng với khách hàng. Ba là, website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ. Và cuối cùng là, mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động quy định tại điểm a, b, c và người tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động đó.
Trong đó, các website của từng hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử nêu trên sẽ có hoặc không có chức năng đặt hàng trực tuyến.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất các sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến (như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…) sẽ phải kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn.
Các sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến sẽ phải kê khai thay, nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh trên sàn. Ảnh: V.Đ. |
Ngược lại, các sàn như Chotot, Batdongsan.com... không tham gia trực tiếp vào giao dịch mua bán mà chỉ đăng tin hàng hóa và dịch vụ nên không phải kê khai, nộp thuế thay người bán. Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử này cũng không kiểm soát và không có thông tin doanh thu, tài khoản ngân hàng, căn cước công dân, mã số thuế, địa chỉ của các cá nhân kinh doanh trên sàn.
Đề xuất mới này của Bộ Tài chính được đưa ra sau khi đề xuất cũ yêu cầu tất cả sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay người bán để tránh thất thu thuế nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp, chuyên gia.
Theo Bộ Tài chính, việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến kê khai và nộp thuế thay cho người bán phù hợp với quy định tại Nghị định 85/2021.
Theo đó, Nghị định này đã có quy định rõ chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử có trách nhiệm thông báo nghĩa vụ thuế theo quy định pháp luật Việt Nam của người bán nước ngoài khi tham gia sàn; là đầu mối tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại của người tiêu dùng; lưu trữ thông tin về các giao dịch đặt hàng được thực hiện trên sàn theo quy định của pháp luật về kế toán; và liên đới bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho rằng quy định này không trái với các quy định hiện hành về thuế, bởi mọi hoạt động mua bán, từ khâu đặt hàng, vận chuyển, thanh toán, giải quyết khiếu kiện về hàng hóa, dịch vụ… đều được thực hiện thông qua sàn, người mua hàng chỉ thực hiện các giao dịch thông qua sàn.
Do đó, có thể hiểu sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến tham gia trực tiếp, đóng vai trò quyết định đối với từng giao dịch mua bán và nắm được thông tin về doanh thu của người bán.
“Việc quy định sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến khai thay, nộp thay thuế cho cá nhân kinh doanh trên sàn là phương án tối ưu trong việc quản lý thuế, góp phần giảm đầu mối kê khai thuế”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho biết Tổng cục Thuế đã triển khai thu thập thông tin, tài liệu tại một số sàn giao dịch thương mại điện tử. Qua kiểm tra thực tế thì cơ bản các sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến đều nắm được thông tin liên quan đến công tác quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh trên sàn. Do đó, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… có đủ khả năng để khai thay và nộp thay thuế cho các cá nhân kinh doanh trên sàn.