Nợ lãi vay gần 10,400 tỷ, vốn chủ âm sâu, Xi măng Công Thanh lên kế hoạch có lãi trong năm 2024
CTCP Xi măng Công Thanh tiếp tục chìm trong thua lỗ với khoản lỗ kỷ lục hơn 1,800 tỷ đồng trong năm 2023, đánh dấu năm thứ 8 liên tiếp thua lỗ, qua đó, vốn chủ âm hơn 7,000 tỷ đồng, số lãi vay phải trả gần 10,400 tỷ đồng. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn đặt mục tiêu lạc quan trong năm 2024.
Lỗ kỷ lục
Kết thúc năm 2023, Xi măng Công Thanh giảm gần 70% doanh thu so với cùng kỳ năm ngoái, còn hơn 483 tỷ đồng. Nguyên nhân do sụt giảm mạnh từ việc bán xi măng và clinker, lần lượt kém 69% và 74% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguồn: Xi măng Công Thanh |
Bên cạnh đó, giá vốn cao khiến Doanh nghiệp lỗ gộp hơn 271 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 153 tỷ đồng. Áp lực lớn từ chi phí tài chính với phần lớn là chi phí lãi vay ở mức cao với hơn 1,454 tỷ đồng.
Kết quả Công ty tiếp tục lỗ kỷ lục gần 1,826 tỷ đồng, đánh dấu kỳ kinh doanh thua lỗ thứ 8 liên tục kể từ 2016, đưa lỗ lũy kế lên gần 7,906 tỷ đồng và vốn chủ âm 7,005 tỷ đồng tính đến cuối năm 2023.
Kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục
Tại ngày 31/12/2023, Xi măng Công Thanh có tổng tài sản gần 12 ngàn tỷ đồng, giảm 3% so với đầu năm, trong đó tài sản cố định chiếm tới 91% nguồn vốn với gần 11 ngàn tỷ đồng, giảm gần 3% so đầu kỳ. Hàng tồn kho hơn 218 tỷ đồng.
Nguồn: VietstockFinance |
Tuy nhiên, nợ phải trả không ngừng gia tăng từ 13,763 tỷ đồng năm 2016 lên hơn 19,005 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Trong đó, tổng nợ vay tài chính gần 7,318 tỷ đồng từ 2 ngân hàng VietinBank (CTG) và SHB. Chủ nợ lớn nhất từ VietinBank khi gánh hơn 7 ngàn tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu của Doanh nghiệp cũng còn khoảng gần 2.4 ngàn tỷ đồng.
Nguồn: Xi măng Công Thanh |
Với việc thua lỗ kỷ lục, âm vốn, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn, ngoài ra, Công ty chưa thanh toán các khoản vay dài hạn đến hạn trả và trái phiếu đến hạn trả với số tiền hơn 1,593 tỷ đồng cho ngân hàng VietinBank, khoản vay ngắn hạn gần 287 tỷ đồng cho Ngân hàng SHB và tổng tiền lãi vay quá hạn lên tới gần 10,400 tỷ đồng cho các Ngân hàng này.
Đơn vị kiểm toán cho rằng những điều này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Ban Tổng Giám đốc không thể cung cấp bằng chứng khả năng thanh toán các khoản nợ trên. Vì vậy, đơn vị kiểm toán cũng không thể thu thập đầy đủ các bằng chứng kiểm toán thích hợp cho việc sử dụng giả định hoạt động liên tục để lập báo cáo tài chính này là phù hợp.
Do đó, đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán đối với báo cáo tài chính năm 2023 của Xi măng Công Thanh. Đáng quan tâm, chuyện kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến có lẽ quá quen thuộc với Xi măng Công Thanh khi việc này đã diễn ra liên tục trong 5 năm qua (từ năm 2019-2023).
Kế hoạch 2024 lạc quan
Xi măng Công Thanh nhận định năm 2024 nhu cầu xi măng trong nước khó tăng trưởng cao, trong khi nguồn cung tiếp tục vượt xa cầu. Bên cạnh đó, từ tháng 10/2023, Châu Âu bắt đầu triển khai cơ chế điều chỉnh biên giới carbon đối với xi măng nhập khẩu, sẽ là thách thức lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng qua Châu Âu.
Cùng với việc kinh doanh ảm đạm thời gian qua, Doanh nghiệp vẫn lên kế hoạch 2024 lạc quan với chỉ tiêu doanh thu thuần hơn 744 tỷ đồng, tăng 54% so với năm 2023 và EBITDA (lợi nhuận chưa bao gồm thuế, lãi vay và khấu hao) hơn 286 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 95 tỷ đồng).
Trong đó, sản lượng sản xuất đạt hơn 1.2 triệu tấn và tiêu thụ hơn 957 ngàn tấn, lần lượt tăng 77% và 39% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: VietstockFinance |
Tại 31/12/2023, Xi măng Công Thanh gồm ba cổ đông lớn gồm ông Nguyễn Công Lý – Chủ tịch HĐQT sở hữu 57.2%, CTCP Tấm lợp Vật liệu Xây dựng Đồng Nai nắm 10% và Financiere Lafarge SA 5%.
Nguồn: Xi măng Công Thanh |