Grab giảm lỗ trong quý 1, tổng doanh thu tăng 130%, “buông bỏ” ví Moca
Gã khổng lồ công nghệ Grab giảm lỗ trong quý 1/2024 nhờ nhu cầu gọi xe từ khách du lịch ở Đông Nam Á và việc cắt giảm chi phí mạnh mẽ trong năm trước.
Trong 3 tháng đầu năm, siêu ứng dụng Grab, bao gồm từ dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn cho tới thanh toán điện tử và cho vay, lỗ ròng 250 triệu USD, thu hẹp 43% so với mức lỗ 435 triệu USD của cùng kỳ.
“Chúng tôi lại có thêm một quý kinh doanh tốt và phản ánh sự tập trung cao độ vào tăng trưởng bền vững và khả năng tạo lợi nhuận”, CEO Anthony Tan cho biết trong cuộc họp chia sẻ về tình hình kinh doanh quý 1.
Tổng doanh thu tăng 130%
Trong quý 1/2024, Grab ghi nhận tổng doanh thu 525 triệu USD, tăng 130% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng gọi xe cốt lõi của Grab tăng trưởng 72% lên 194 triệu USD, nhờ mở rộng đội xe ở Đông Nam Á và hưởng lợi từ sự hồi phục của lượng khách du lịch.
"Nhu cầu đi lại tiếp tục quỹ đạo tích cực", ông Tan chia sẻ. "Chúng tôi tự tin về sự hồi phục mạnh mẽ hơn của ngành du lịch, đặc biệt sau khi Trung Quốc tái mở cửa".
Giám đốc vận hành Alex Hungate cho biết số chuyến đi tại sân bay đã tăng 133% so với cùng kỳ và 7% so với quý trước, và ông tin rằng "mảng này vẫn còn có nhiều dư địa để hồi phục", vì chỉ mới đạt 69% so với trước dịch.
Trong khi đó, mảng giao đồ ăn và hàng hóa - mảng mang lại doanh thu lớn nhất cho tập đoàn - ghi nhận doanh thu đạt 275 triệu USD, tăng 203% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ việc mua lại chuỗi siêu thị Jaya Grocer ở Malaysia.
Tuy nhiên, tổng giá trị giao dịch ở mảng này đã tăng chậm lại khi ngày càng nhiều người đi ăn ngoài sau khi các nước mở cửa trở lại. Giám đốc tài chính Peter Oey dự kiến tổng giao dịch trong mảng giao hàng sẽ tăng trở lại từ quý 2/2024 khi công ty mở rộng các tính năng dịch vụ, bao gồm các tính năng tiết kiệm và chương trình GrabUnlimited.
Grab cho biết trong quý 1/2024, lượng người dùng đăng ký dịch vụ này chiếm hơn 1/4 số lượt giao hàng và chi tiêu nhiều hơn 270% so với những người không đăng ký.
Sau kết quả tích cực của quý 1, Grab kỳ vọng giá trị hàng hóa bán ra (GMV) – tức tổng giá trị giao dịch thực hiện thông qua ứng dụng Grab - ở mảng đi lại (mobility) sẽ trở lại mức trước dịch vào quý 4/2024.
Kể từ khi niêm yết lên sàn Nasdaq vào tháng 12/2021, Grab buông bỏ chiến lược đẩy mạnh doanh thu và tăng quảng bá tiếp thị để chuyển sang cắt giảm chi phí và tập trung vào lợi nhuận. Bước thay đổi chiến lược diễn ra sau nhiều năm thua lỗ liên tiếp của tập đoàn đa quốc gia này. Trong năm 2023, Grab cắt giảm 1,000 việc làm và giảm chi phí công nghệ, đây là nỗ lực để giúp công ty có dòng tiền dương trong năm nay.
Sau kết quả tích cực của quý 1/2024, Grab kỳ vọng sẽ EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao) điều chỉnh sẽ ở mức 250-270 triệu USD trong năm nay, cao hơn dự báo trước đó là 180-200 triệu USD. Họ vẫn giữ nguyên dự báo doanh thu ở mức 2.7-2.75 tỷ USD.
Buông bỏ ví điện tử Moca
Ở một diễn biến khác, trong một động thái được các chuyên gia đánh giá là để đẩy mạnh lợi nhuận, ứng dụng của Grab sẽ dừng cung cấp dịch vụ ví điện tử Moca từ ngày 01/07/2024.
Về phía Moca, ông Nguyễn Xuân Việt Bình, Giám đốc Moca, chia sẻ: “Quyết định này được đưa ra sau khi chúng tôi đã có những cân nhắc và đánh giá rất cẩn thận. Với việc tái cấu trúc danh mục dịch vụ, chúng tôi có thể tập trung vào các lĩnh vực mà chúng tôi có thể mang lại giá trị tốt hơn nữa cho người dùng, đồng thời thúc đẩy công ty tăng trưởng một cách hiệu quả và bền vững".
Theo lộ trình, từ ngày 31/5/2024, Moca sẽ ngừng tiếp nhận yêu cầu mở thêm tài khoản ví điện tử Moca cho người dùng mới tại Việt Nam. Trong giai đoạn chuyển giao diễn ra từ ngày 31/5/2024 đến hết ngày 30/6/2024, người dùng Moca có thể rút tiền về tài khoản hoặc thẻ ngân hàng liên kết bất cứ lúc nào và/hoặc sử dụng số dư còn lại trong ví điện tử Moca.
Bắt đầu từ ngày 1/7/2024, Moca sẽ tiến hành hoàn trả toàn bộ số dư còn lại (nếu có) cho người dùng. Việc hoàn tiền sẽ được hệ thống thực hiện tự động, dự kiến hoàn tất chậm nhất vào ngày 31/07/2024.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc buông bỏ Moca cũng nhằm tập trung vào chiến lược lợi nhuận.
Ra đời vào năm 2012, Grab là siêu ứng dụng hàng đầu ở Đông Nam Á. Chỉ với một ứng dụng, công ty cho phép hàng triệu người đặt đồ ăn hoặc hàng tạp hóa, gửi gói hàng, gọi xe hoặc taxi, thanh toán mua hàng trực tuyến hoặc truy cập các dịch vụ như cho vay và bảo hiểm. Hiện Grab đang có mặt ở hơn 700 thành phố tại 8 quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. |