GSM trả cổ tức kỷ lục, công ty của Chủ tịch dự kiến nâng sở hữu lên 80%
(UPCoM: GSM) sắp chia cổ tức với mức cao nhất trong lịch sử doanh nghiệp là 2,000 đồng/cp. Gần đây, cổ đông GSM đã chấp thuận cho tổ chức liên quan Chủ tịch Nguyễn Thanh Hải nâng sở hữu lên 80% vốn mà không cần chào mua công khai.
HĐQT GSM vừa thông báo lập danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 20% bằng tiền (sở hữu 1 cp được nhận 2,000 đồng/cp). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 28/06 và ngày thanh toán dự kiến 21/07/2024.
Với hơn 28.56 triệu cp đang lưu hành, Doanh nghiệp thủy điện cần chi tối thiểu 57 tỷ đồng để trả cổ tức đợt này. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, GSM chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông và cũng là mức cao nhất, gấp đôi năm 2022 (1,000 đồng/cp) và gấp gần 6 lần năm 2021 (350 đồng/cp).
Thủy điện Hương Sơn (GSM) được thành lập từ năm 2003 và trở thành công ty đại chúng từ cuối năm 2014. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh điện thương phẩm. Vốn điều lệ hiện là 285.6 tỷ đồng.
Tại ngày 31/03/2024, cơ cấu cổ đông lớn của GSM gồm 3 tổ chức và 3 cá nhân nắm giữ tới 82.7% vốn. Cụ thể, CTCP Dịch vụ Khách sạn Kim Thành sở hữu 26.68%; tiếp đó là Tổng Công ty Khoáng sản và Thương Mại Hà Tĩnh (19.75%); bà Nguyễn Thị Nhân Ái (10.21%); Công ty TNHH Đại Hiệp (10%); bà Nguyễn Thị Kim Thoa (10%) và bà Nguyễn Thị Minh (6.06%).
Gần đây, GSM xảy ra biến động cổ đông lớn khi bà Nguyễn Thị Linh Giang mua vào hơn 2.9 triệu cp (tỷ lệ 10.21%). Ngược lại, bà Nguyễn Thị Nhân Ái “rời đi” sau khi bán thỏa thuận đúng bằng số cổ phiếu trên cùng ngày 07/05. Giá trị thương vụ “sang tay” khoảng 56 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 07/05, Công ty Kim Thành báo cáo đã mua 200,000 cp trong số 300,000 cp GSM đăng ký do giá mua không đạt kỳ vọng, tiếp tục củng cổ vị thế cổ đông lớn nhất nắm giữ 27.38%. Hiện, Chủ tịch HĐQT GSM Nguyễn Thanh Hải cũng là Chủ tịch HĐQT Kim Thành.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, cổ đông GSM đã chấp thuận cho Công ty Kim Thành được quyền thực hiện các giao dịch mua thêm cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu đến 80% vốn điều lệ mà không cần thực hiện thủ tục chào mua công khai.
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 4 năm gần đây (2020-2023), doanh thu hàng năm của GSM luôn duy trì trên trăm tỷ đồng, riêng năm 2022 lập kỷ lục cả doanh thu và lãi sau thuế lần lượt 174 tỷ đồng và 66 tỷ đồng, nhưng đến 2023 lãi giảm xuống 36 tỷ đồng do yếu tố thời tiết khô hạn, lượng nước đổ về thấp.
Kết quả kinh doanh của GSM trong 4 năm gần nhất | ||
Trong quý 1/2024, GSM đạt doanh thu thuần gần 23 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước và lãi vỏn vẹn 1.2 tỷ đồng, lao dốc 86%, ảnh hưởng bởi thời tiết khô hạn nặng hơn. So với kế hoạch, Công ty thực hiện được 16% chỉ tiêu doanh thu và 5% mục tiêu lợi nhuận năm.
Cổ phiếu GSM được giao dịch trên UPCoM vào ngày 08/04/2015 với giá 9,000 đồng/cp. Sau giai đoạn đi ngang vùng 14,000-15,000 đồng/cp, thị giá GSM tăng dựng đứng, lập đỉnh lịch sử 31,500 đồng/cp hồi đầu tháng 10/2023, tăng hơn 60% trong 1 tháng, đi kèm thanh khoản bình quân cải thiện lên gần 1,700 cp/ngày.
Phiên sáng 14/06, thị giá GSM giao dịch cận ngưỡng 23,000 đồng/cp, giảm 28% từ đỉnh nói trên nhưng cao hơn 42% so với đầu năm, với khối lượng khớp lệnh bình quân khoảng 2,700 cp/ngày.
Diễn biến giá cổ phiếu GSM từ đầu năm 2024 | ||