Garmex Sài Gòn sa thải hàng ngàn nhân viên, ròng rã mở bán loạt tài sản vẫn ế
Tương lai của CTCP Garmex Sài Gòn (HOSE: GMC) càng thêm phần bấp bênh; dù đã tiến hành nhiều đợt chào bán tài sản, nhưng phần lớn đều trong tình trạng ế ẩm, không ai đoái hoài.
Câu chuyện của Garmex đi từ một trong những công ty dệt may xuất khẩu hàng đầu tại TPHCM, quy mô hàng ngàn lao động, đến chỗ đối mặt với khó khăn tài chính thời gian dài. Kế hoạch kinh doanh của Công ty nay chỉ còn phụ thuộc vào hoạt động thanh lý tài sản, trong khi ngành nghề chính là dệt may vẫn chưa có đơn hàng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, lãnh đạo Garmex cho biết, đã có chủ trương rà soát lại tài sản, thanh lý, nhượng bán các tài sản không sử dụng để bảo toàn vốn cho cổ đông.
Bán từ đồ dùng nhà ăn tới bất động sản trăm tỷ
Máy móc, thiết bị của Garmex có nguyên giá 230 tỷ đồng, giá trị còn lại 30 tỷ đồng, đã được định giá xong và sẽ tiến hành đấu giá. Những công cụ, dụng cụ, máy móc, thiết bị không có giá trị, khó chào thầu, Công ty sẽ thanh lý bằng hình thức chào giá cân ký, đã thanh lý xong đợt 1 vào tháng 9/2023.
Từ đó đến nay, Garmex có nhiều đợt chào bán tài sản không sử dụng, nhưng phần lớn đều bị ế, không ai đoái hoài.
Cụ thể, sau 8 lần thông báo chào giá, lô xe gồm 6 xe tải và 3 xe ô tô với tổng giá khởi điểm khoảng 3 tỷ đồng (đã hạ giá) vẫn không có người đăng ký tham gia. Garmex thông báo tiếp tục chào bán tài sản trên với giá khởi điểm giữ nguyên, thời gian nhận hồ sơ trước 15h ngày 19/06/2024.
Đối với lô máy may, gồm 489 cái của Công ty TNHH May Tân Mỹ (giá khởi điểm 1.75 tỷ đồng) và 355 cái của Công ty TNHH Garmex Quảng Nam (giá khởi điểm khoảng 2.4 tỷ đồng) cũng có 5 lần chào bán thất bại kể từ đầu năm 2024. Đây đều là 2 công ty con Garmex sở hữu 100%.
Tương tự, 3 lô máy cắt tự động ghi nhận tới 6 lần chào bán giá cạnh tranh bất thành dù đã hạ giá khởi điểm từ hơn 7.5 tỷ đồng xuống gần 6.2 tỷ đồng.
Ngay đến tài sản đáng giá nhất là đất mà Garmex vẫn bị ế. Cụ thể là quyền sử dụng đất (đất thuê trả tiền 1 lần) và công trình xây dựng tại thửa đất của Garmex ở Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Lô đất rộng 26,000m2, có thời hạn sử dụng đến tháng 5/2063, giá khởi điểm 156 tỷ đồng. Thuế giá trị gia tăng và các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng khi thực hiện mua lô đất sẽ do người trúng đấu giá chi trả.
Công ty đấu giá hợp danh Minh Pháp là đơn vị tổ chức đấu giá tài sản cho biết, khi hết hạn đăng ký (đến ngày 27/05), vẫn không có khách hàng đăng ký tham gia. Đơn vị này sẽ tiếp tục đấu giá lại tài sản trên với giá không đổi và hạn nhận hồ sơ đến ngày 18/06/2024.
Việc chuyển nhượng thửa đất trên đã được Garmex xin ý kiến cổ đông hồi tháng 2/2024. Ngoài ra, Công ty còn lấy ý kiến về việc chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất 50,173m2 và công trình xây dựng trên đất tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ở chiều ngược lại, Garmex đã bán thành công 3 lô máy thêu với giá khoảng 6 tỷ đồng vào hôm 13/05. Trước đó, 2 lô máy thêu tại Công ty May Tân Mỹ (hơn 1.5 tỷ đồng) và Garmex (hơn 700 triệu đồng) cũng đã bán xong trong ngày 10/04 và 06/03/2024.
Vào ngày 09/04, Garmex đã khui thầu thành công lô đồ dùng nhà ăn với giá bán 73 triệu đồng.
Thanh lý biên bản thỏa thuận mua đất
Chưa dừng lại, Garmex dự kiến thanh lý biên bản thỏa thuận mua đất xây nhà ở cho công nhân với CTCP Phú Mỹ. Nội dung này sẽ được HĐQT GMC trình cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 vào ngày 27/06 sắp tới tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Căn cứ Biên bản thỏa thuận ngày 17/07/2007 giữa CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (nay là Garmex) và Công ty Phú Mỹ về việc mua 15,264m2 đất xây nhà ở cho công nhân và Biên bản thỏa thuận ngày 17/12/2008 việc xây dựng nhà lưu trú giai đoạn 1 cho công nhân Công ty May Tân Mỹ; theo đó, Garmex đã đầu tư cho xây dựng nhà ở công nhân, gồm hơn 1.83 tỷ đồng tiền mua 15,264m2 đất và hơn 9.2 tỷ đồng tiền đầu tư công trình trên đất và tài sản gắn liền với đất (chưa bao gồm VAT).
Giá trị còn lại của công trình trên đất và tài sản gắn liền với đất đến ngày 30/04/2024 là gần 6.2 tỷ đồng.
Về tình trạng pháp lý, Công ty Phú Mỹ đang đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất và nguồn tiền mua do Garmex chuyển cho. Phú Mỹ không thực hiện chuyển quyền sở hữu cho Garmex do dự án mới triển khai thi công hoàn thiện một khối nhà ở cho công nhân A1.
Công ty Phú Mỹ đã tự xin chủ trương chuyển đổi từ Khu nhà ở tập thể cho công nhân thành Khu nhà ở thương mại Tân Mỹ và đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chấp thuận chủ trương với thời gian hoàn thành dự án là 36 tháng kể từ ngày 18/05/2020. Hiện, Phú Mỹ đang xin gia hạn và tiến hành các thủ tục để thực hiện dự án.
Ngày 19/04/2024, Garmex nhắc lại đề xuất thanh lý biên bản thỏa thuận với giá trị cả tiền mua đất và công trình trên đất là 35 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 09/05, Công ty nhận được văn bản của Phú Mỹ xác nhận giá trị thanh lý chỉ còn 11 tỷ đồng.
Do chênh lệch lớn, HĐQT GMC không thể quyết được và sẽ trình đại hội cổ đông quyết.
Nhà máy may Tân Mỹ và Công ty Phú Mỹ trong Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Hắc Dịch - Ảnh: Google Maps |
Trước đó, vào tháng 7/2023, Garmex đã tăng vốn góp tại Công ty Phú Mỹ lên hơn 18 tỷ đồng và tiếp tục lên gần 30 tỷ đồng, tương ứng sở hữu 32.47% vốn khi công ty liên kết này tăng vốn lên 91 tỷ đồng trong tháng 8/2023.
Hiện Công ty Phú Mỹ đang thực hiện 2 dự án gồm Khu nhà ở thương mại Phú Mỹ đang xây dựng cơ sở hạ tầng và Khu nhà ở thương mại Tân Mỹ.
Theo Garmex, dự án Tân Mỹ sắp hết thời hạn cấp phép xây dựng (đến tháng 9/2024). Để tránh ảnh hưởng đến lợi ích tại Phú Mỹ do dự án bị ngừng, ngày 14/04/2024, Ban Kiểm soát Garmex đã gửi kiến nghị HĐQT có giải pháp quyết liệt hơn để thúc đẩy Phú Mỹ tháo gỡ các nút thắt, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Mục tiêu lãi 40 tỷ đồng trong năm 2024
Với kỳ vọng thu hồi vốn đầu tư, Garmex đặt kế hoạch kinh doanh 2024 với doanh thu dự kiến 50.5 tỷ đồng và lãi ròng 40 tỷ đồng; trong khi năm 2023 lỗ 52 tỷ đồng và năm 2022 lỗ kỷ lục 85 tỷ đồng.
Kết thúc quý 1/2024, Garmex không có đơn hàng nên doanh thu gần như mất trắng, chỉ còn 135 triệu đồng. Nhờ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại giảm 11.7 tỷ đồng do Công ty Blue Sài Gòn LLC đã hoàn tất thủ tục giải thể và khai thuế tại Mỹ, giúp Công ty thoát lỗ ngoạn mục với lãi trên 1 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 21 tỷ đồng và đã giảm lỗ lũy kế tại cuối quý 1 còn hơn 72 tỷ đồng.
Dù vẫn xác định may là ngành nghề chính, lãnh đạo Garmex cho biết, Công ty hiện không có đơn hàng, trong khi các điều kiện về xanh hóa ngành may vẫn chưa chuyển đổi kịp. GMC sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư các ngành nghề mới theo xu thế để phát triển trong trung và dài hạn. Nổi bật là triển khai kinh doanh nhà thuốc tại 213 Hồng Bàng, phường 11, quận 5, TPHCM. Đây là chi nhánh CTCP Garmex Sài Gòn - Trung tâm logistics Hồng Bàng.
Chi nhánh CTCP Garmex Sài Gòn - Trung tâm logistics Hồng Bàng ; địa chỉ 213 Hồng Bàng, quận 5, TPHCM. Ảnh: Thế Mạnh |
Trước đó, năm 2005, Garmex đã mua chỉ định lô đất này với quyền sử dụng đất hơn 106 tỷ đồng và ký kết biên bản ghi nhớ với Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vào năm 2008 về việc hợp tác khai thác, vận hành dự án trung tâm dịch vụ nghiên cứu ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao y khoa.