A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

ĐHĐCĐ KBC: KCN Tràng Duệ 3 gặp khó trong đền bù, kế hoạch mở trường dạy nghề sản xuất chip

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 sáng ngày 19/06, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) Đặng Thành Tâm chia sẻ về lý do phát hành 250 triệu cp, đồng thời công bố kế hoạch mở trường dạy nghề để đào tạo công nhân sản xuất chip.

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của KBC tổ chức sáng ngày 19/06. Ảnh chụp màn hình

Mở đầu đại hội, ông Đặng Thành Tâm chia sẻ hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang chao đảo nhưng KBC đang hết sức vững vàng và sắp tới tương lai sẽ rất tốt. Bên cạnh phát triển KCN, Công ty còn bám vào KCN để tạo giá trị gia tăng, tạo thành chuỗi kinh tế tuần hoàn. Trong các KCN của KBC, các dịch vụ đều đầy đủ, sắp tới Công ty sẽ phát triển thêm mảng điện áp mái tại các nhà xưởng nhằm đáp ứng tiêu chuẩn về năng lượng xanh.

Nền kinh tế năm nay được dự báo phát triển tốt hơn năm ngoái, trong bối cảnh đó, KBC sẽ hưởng lợi khi KCN Tràng Duệ 3 được duyệt, tăng quỹ đất cho Công ty.

KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh thu hút một nhà đầu tư sản xuất chip lớn

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, năm 2024, thị trường được dự báo khởi sắc cả về bất động sản KCN và dân dụng, trong đó dự án KCN Tràng Duệ 3 của KBC sẽ về đích sớm thời gian tới, hiện hồ sơ đã chuyển tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký thuê. Dự án hiện đã giải phóng mặt bằng hơn 200ha, đa phần  đã có người đăng ký.

Một số doanh nghiệp Hàn Quốc trước đó có ý định đầu tư tại tỉnh khác nhưng cũng đang suy nghĩ chuyển sang đăng ký Tràng Duệ 3, dự kiến đầu tư 1 tỷ USD.

Mặt khác, việc giải phóng mặt bằng tại Tràng Duệ 3 đang gặp khó khăn khi người dân không chịu nhận đền bù do nghe được Luật Đất đai sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07 và họ kỳ vọng sẽ có thể nhận thêm trợ cấp. KBC vẫn đang chờ và nhờ địa phương làm việc để các hộ nhận tiền đền bù.

Trong khi đó, KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh đang tập trung các doanh nghiệp về công nghệ, sắp tới nhiều doanh nghiệp của Đài Loan, Trung Quốc sẽ vào. Còn hiện tại, KCN này đã thu hút được 1 doanh nghiệp sản xuất chip lớn nhưng do bảo mật thông tin nên không thể công bố.

Tại khu vực phía Nam, các nhà đầu tư Đài Loan đang rất quan tâm các dự án KCN tại các tỉnh như Long An, Hậu Giang.

Sắp tới, KBC sẽ làm việc với doanh nghiệp công nghệ lớn nhất Trung Quốc để tạo điều kiện cho họ sang Việt Nam. Nhìn chung, các nhà đầu tư nước ngoài lớn không phải sợ đến Việt Nam mà họ chỉ đầu tư chậm thôi, lãnh đạo KBC bày tỏ.

Tổng Giám đốc KBC Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ tại Đại hội. Ảnh chụp màn hình

Nguyên nhân chào bán 250 triệu cp 

Ông Tâm cho rằng để chào bán 250 triệu cp nhanh thì cũng phải mất 3-5 tháng. Trong thời gian đó, với việc thị trường ở Việt Nam đang có tốc độ phát triển GDP tốt, các yếu tố kinh tế đang dần hồi phục, KBC là doanh nghiệp đầu ngành về KCN và có nhiều lợi thế thì ít nhất tại thời điểm phát hành, giá cổ phiếu phải trên 40,000 đồng/cp, sau khi giảm 20% sẽ từ ngang với giá bây giờ trở lên.

Về lý do phát hành, Chủ tịch KBC cho biết về bản chất KBC vay nợ rất ít. Ngân hàng đang thừa tiền và rất muốn cho KBC vay nhưng quy định hiện tại đang khắt khe. Tuy nhiên, ông nhận định việc khắt khe này là đúng do trước đó thời gian dài buông lỏng đã sinh ra rất nhiều chuyện, nhiều công ty không đủ năng lực vẫn đi vay. Vì vậy, quy định bây giờ không phải siết chặt mà là làm đúng luật.

Khi nhận dự án tùy theo quyết định sẽ yêu cầu từ 15-20% vốn chủ sở hữu. KBC đang có lợi thế rất lớn do các địa phương tin tưởng Công ty, không thiếu những đại gia rất lớn tuyên bố làm KCN nhưng 5 năm nay vẫn chưa duyệt được quy hoạch, nhìn đơn giản thế thôi chứ không hề đơn giản.

Bên cạnh đó, làm KCN rất vất vả mà lợi nhuận lại rất ít, 1m2 chỉ lãi 20-30 USD, trong khi làm nhà ở 1m2 lãi vài ngàn USD nên người ta sẽ không sẵn sàng chui vào làm KCN nhưng đây lại là nghề của KBC. Công ty hiện đã có nhiều KCN và cũng có chuỗi khách hàng, việc phục vụ nhu cầu mở rộng của họ cũng là thừa với KBC, Chủ tịch KBC tự tin cho biết.

Tại Hải Phòng, KBC đã đền bù được hàng trăm ha, sắp tới sẽ có giấy phép để ký hợp đồng giao đất trong năm nay. Việc Công ty giao 200-300ha đất trong năm nay là đơn giản và không có vấn đề gì. Đầu năm 2024, Công ty không ghi nhận kết quả bởi vì hết quỹ đất, đất còn ít quá nên phải chào giá thuê cao. Nhưng khi dự án được duyệt thì Công ty sẽ có quỹ đất lớn để làm.

Ông Tâm chia sẻ thêm tại Hải Phòng, nhiều dự án xa trung tâm hơn dự án của KBC đang có giá hơn 100 triệu đồng/m2/chu kỳ thuê mà người tìm mua ầm ĩ lên nên nếu KBC chỉ bán 10ha với giá dưới 100 triệu đồng/m2/chu kỳ thuê thì sẽ bán xong rất nhanh, đồng nghĩa thu một lần được hơn 10 ngàn tỷ đồng.

Nhìn chung KBC có nguồn lực tài chính nhưng khi làm dự án cần phải chứng minh vốn chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu của KBC hiện đang ở  mức khiêm tốn nhất trong các doanh nghiệp hàng đầu về bất động sản. Với chưa đầy 10 ngàn tỷ đồng vốn điều lệ, KBC chỉ làm được các dự án có tổng vốn đầu tư 35 ngàn tỷ đồng (trong trường hợp yêu cầu vốn chủ sở hữu 20%). Do đó, việc chào bán cổ phiếu tăng vốn điều lệ sẽ mang lại lợi ích cho cổ đông, ông Tâm khẳng định.

"Khi vốn điều lệ tăng lên, KBC sẽ hoạt động sao cho có lợi nhuận nhiều hơn để giữ được vị thế và tiến lên là một trong những cổ phiếu hàng đầu bền vững. KBC sau nhiều năm trồng cây đã đến ngày ăn quả. Vốn và chi phí đầu tư của KBC thấp nên nhắm mắt cũng có thể thấy giá nào Công ty cũng có thể làm nhưng sẽ không bán bừa do đã quy hoạch rất đẹp", Chủ tịch KBC nói.

Nói về độ ưu ái của các địa phương dành cho KBC, ông Tâm chia sẻ một KCN muốn đi vào hoạt động, ví dụ Tràng Duệ phải mất gần 10 năm. Tuy nhiên hiện nay, một số tỉnh thành đang mời gọi KBC vào làm các KCN đã nằm trong quy hoạch được Chính phủ thông qua.

Theo ông Tâm, quy hoạch các tỉnh thành cũng mất gần 10 năm thì mới thông qua được, sau đó phải làm quy hoạch 1/2000, nhanh thì 3-6 tháng, tiếp đó là nộp dự án và cũng nhanh thì phải mất tiếp 3-6 tháng. Do đó, cái hay của Nhà nước và các sở ban ngành hiện nay là làm quy hoạch rất tốt, sau đó trình duyệt rất lâu, đến khi duyệt xong rồi sẽ “chọn mặt gửi vàng”, trong đó KBC là “khuôn mặt” cũng kha khá trong lĩnh vực KCN nên mới nhận được lời mời. Để không mất cơ hội này, KBC cần tăng vốn để nhận các dự án này. Công ty hiện chỉ đang nhận các dự án đủ với năng lực hiện tại và theo quy định hiện tại.

Ông Tâm hy vọng sau khi tăng vốn để cân đối đủ điều kiện nhận dự án, sau đó bắt đầu từ năm sau sẽ có chương trình chia cổ tức cho cổ đông.

Chủ tịch HĐQT KBC ông Đặng Thành Tâm chia sẻ tại Đại hội. Ảnh chụp màn hình

Sẽ phối hợp để mở trường dạy nghề đào tạo công nhân sản xuất chip

Chủ tịch KBC thể hiện sự kỳ vọng đối với việc thu hút đầu tư công nghệ cao của Việt Nam. Theo đó, tại KCN Tràng Duệ 3, nhiều khách hàng đang chờ đợi để được thuê, toàn nhà đầu tư công nghệ cao. Dự kiến, khu vực này có thể thu hút đầu tư từ 10-15 tỷ USD. Sắp tới, KBC sẽ giúp chính quyền nhiều địa phương về mặt đào tạo vì Chính phủ đang mong muốn thu hút nhà đầu tư sản xuất chip nhưng hiện hoàn toàn không có nhân lực.

KBC đã tiếp cận nhà đầu tư sản xuất chip lớn nhất thế giới là TSMC, “ông lớn” mới nổi nhất là NVIDIA chỉ là nhà thiết kế, còn bên sản xuất vẫn là TSMC. TSMC cũng muốn vào Việt Nam nhưng khi khảo sát thì nhận thấy nhân lực không có.

Điển hình như TPHCM vừa qua, Intel đầu tư giai đoạn 1 là packaging và testing vào khu công nghệ cao đã nhận được ưu đãi rất cao nhưng đến giai đoạn 2 là giai đoạn sản xuất thì lại bỏ đi. Nguyên nhân không phải đến từ việc TPHCM không đáp ứng mà bởi vì không có nhân lực, việc đào tạo công nhân sản xuất chip ít nhất cũng phải 3 năm chứ không phải 6 tháng như các ngành nghề khác. Do đó, KBC đang phối hợp với các tổ chức đào tạo của Đài Loan, Hàn Quốc - hai khu vực sản xuất chip lớn nhất thế giới để mở ra một loạt các trường dạy nghề.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

  • :
  • :