Cú sốc giảm lợi nhuận của Samsung
Lợi nhuận của Samsung Electronics giảm mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ, giữa lúc đà giảm tốc của kinh tế toàn cầu kéo giảm nhu cầu thiết bị điện tử mạnh hơn dự báo.
Công ty lớn nhất của Hàn Quốc đã và đang vật lộn vì nhu cầu về chip nhớ, điện thoại thông minh và màn hình giảm mạnh. Tình trạng ảm đạm diễn ra trong bối cảnh người tiêu dùng giảm chi tiêu giữa lúc lãi suất và lạm phát đều tăng. Bên cạnh vấn đề về nhu cầu, Apple – một trong những khách hàng lớn nhất của Samsung về màn hình và chip nhớ – bị gián đoạn sản xuất ở Trung Quốc.
Lợi nhuận hoạt động của Samsung giảm 69% xuống 4.3 ngàn tỷ Won (3.4 tỷ USD) trong quý 4/2022, thấp hơn cả ước tính 6.7 ngàn tỷ Won từ các chuyên viên phân tích. Doanh số giảm xuống 70 ngàn tỷ Won, theo báo cáo của Samsung. Ông lớn Hàn Quốc dự kiến cung cấp báo cáo tài chính đầy đủ cùng với các thông tin về các mảng hoạt động vào ngày 31/01/2023.
Những con số sơ bộ ảm đạm trong quý 4/2022 càng gây thêm áp lực để Samsung thay đổi, cắt giảm sản xuất và chi tiêu vốn. Điều này càng thổi bùng hy vọng Samsung sẽ xoay chuyển được tình thế. Cổ phiếu Samsung tăng 1% sau khi trồi sụt trong phiên sáng. Cổ phiếu SK Hynix – đối thủ Samsung – cũng tăng 1%, trong khi cổ phiếu của các nhà cung ứng chip Hàn Quốc cũng tăng vọt.
“Samsung đã kiên quyết rằng họ không có kế hoạch cắt giảm vốn đầu tư vào tài sản cố định hoặc nguồn cung. Tuy nhiên, việc nhu cầu giảm nhanh và khả năng sinh lời giảm sút có thể thôi thúc ban lãnh đạo phải xem xét điều không tưởng trước đó: Cắt giảm sản xuất chip nhớ”, Sanjeev Rana, Chuyên viên phân tích của CLSA, cho biết.
Daniel Yoo, Trưởng bộ phận phân bổ tài sản toàn cầu tại Yuanta Securities Korea, nhận định rằng với mức tồn kho hiện tại của Samsung, tình hình có thể xoay chuyển trong quý 2/2023. Tuy nhiên, theo ông, việc cắt giảm sản xuất chip bộ nhớ có thể giúp Samsung xoay chuyển tình thế “sớm hơn một chút”.
Trước đó, các nhà sản xuất chip đẩy mạnh sản lượng lên mức kỷ lục giữa lúc nhu cầu tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, sau đó, nhu cầu giảm sút và buộc các nhà sản xuất chip phải cắt giảm chi tiêu mở rộng sản xuất và cắt giảm chi phí để đối phó.
Các nhà sản xuất chip nhớ, bao gồm cả Micron Technology, cho biết họ không mong sẽ phục hồi cho tới nửa cuối năm 2023, đồng thời đã cắt giảm ngân sách đầu tư thiết bị và nhà máy mới cũng như siết chặt chi phí. Micron cảnh báo thêm Công ty khó có lãi trở lại trong năm nay, đồng thời tuyên bố cắt giảm 10% lực lượng lao động và cắt giảm thêm chi phí vốn. Hynix đã nói rằng họ sẽ cắt giảm một nửa ngân sách đầu tư cho tài sản cố định vào năm 2023.
“Cú sốc nhu cầu trong quý 4/2022 lớn hơn dự báo của chúng tôi, khi các khách hàng điều chỉnh lại mức tồn kho trong bối cảnh tình hình tài chính khó khăn hơn”, Samsung cho biết trong tuyên bố. Gã khổng lồ Hàn Quốc cũng thấy giá chip nhớ giảm mạnh hơn dự báo và nói thêm “doanh số bán điện thoại thông minh giảm mạnh vì nhu cầu yếu trong bối cảnh vĩ mô bất ổn”.
Giá chip nhớ |
Cuộc khủng hoảng trên thị trường chip nhớ trở nên trầm trọng thêm vì các lệnh trừng phạt của Mỹ với hoạt động xuất khẩu chip sang Trung Quốc. Điều này kéo giảm nhu cầu từ một số khách hàng chủ chốt của Samsung. Tháng 12/2022, doanh số bán chip ở Hàn Quốc – một phong vũ biểu về nhu cầu công nghệ toàn cầu – giảm 29% so với cùng kỳ, tháng giảm thứ 5 liên tiếp.
“Samsung có thể lãi nhẹ trong quý 1/2023 sau khi công bố con số sơ bộ quý 4/2022 thấp hơn 35% so với dự báo. Mảng chip NAND có thể không có lãi trong quý 4/2022 vì giá giảm quá mạnh, trong khi mảng DRAM có thể có lãi. Đà hồi phục về lợi nhuận của Samsung có thể diễn ra chậm rãi trong năm 2023 vì đà giảm của giá chip nhớ, ngay cả khi nhu cầu hồi phục trong quý 2-3/2023”, Masahiro Wakasugi, Chuyên viên phân tích của Bloomberg Intelligence, cho biết.